Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và gây ảnh hưởng nghiệm trọng tới nền kinh tế cũng như các vấn đề xã hội. Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đóng góp hơn 50% sản lượng lúa gạo cả nước, lại là khu vực nhạy cảm trước những tác động khó lường của biến đổi khí hậu. Trà Vinh, Bạc Liêu nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung hiện đang đối mặt với những thách thức về xói lở bờ biển, xâm nhập mặn và thiếu nước sạch.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long” do Quỹ thích ứng tài trợ.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 80 đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở Tài Nguyên và Môi trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đại diện các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, một số Hiệp hội trong lĩnh vực môi trường.
Tiến sĩ Ngân Ngọc Vỹ, chuyên gia biến đổi khí hậu cho biết, bộ công cụ của Dự án cung cấp hướng dẫn cụ thể về quy trình, trình tự triển khai việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tương ứng ở các cấp. Ngoài ra, bộ công cụ lồng này có thể được dùng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu, đào tạo về biến đổi khí hậu và lồng ghép biến đổi khí hậu trong các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khác, nhằm góp phần nhân rộng việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu ở các địa phương khác.
Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng vụ Pháp chế, Phó Giám đốc dự án: “Để thích ứng với biến đổi khí hậu, việc lồng ghép, tích hợp biến đổi khí hậu vào chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển được xem là giải pháp quan trọng, tổng thể và hữu hiệu nhất. Lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vào chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương cần được thực hiện càng sớm càng tốt, để các địa phương có thể chủ động các phương án thích ứng hợp lý và giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đối khí hậu, đặc biệt là các địa phương ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Nhằm triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sống Cửu Long và bên cạnh đó là Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) tại Việt Nam tổ chức xây dựng và thực hiện dự án “Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long”.
Trong đó, Trà Vinh và Bạc Liêu là hai địa phương tham gia và hưởng lợi từ dự án này; bao gồm các hoạt động như hỗ trợ đào tạo và tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu; hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu quy mô nhỏ và truyền thông, nâng cao nhận thức về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long” kỳ vọng sẽ hỗ trợ được cho 92.396 người dân tại hai tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu trong việc tiếp cận nước sạch và giảm tác động của xói lở bờ biển…