Nhìn nhận từ thực tế
Những năm gần đây, ngành giống cây trồng Việt Nam đã cung ứng khoảng 50% nhu cầu giống ngô lai, 25% nhu cầu giống lúa lai, 30% nhu cầu giống lúa thuần cho nông dân bằng hạt giống xác định. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chọn tạo giống cho thấy, chất lượng một số cây trồng khác như, lúa lai, ngô lai và nhất là rau, hoa quả của Việt Nam vẫn thua kém nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ðáng chú ý, trong điều kiện mở cửa nền kinh tế và hội nhập vào thị trường thế giới, nếu Việt Nam không chọn tạo được những giống cây trồng mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, thì việc nhập nội các giống mới từ nước ngoài và việc nhập khẩu hạt giống là điều tất yếu.
Theo Hiệp hội giống cây trồng, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 15 nghìn tấn hạt giống lúa lai (trị giá khoảng 46 triệu USD), gần mười nghìn tấn hạt giống ngô lai (trị giá 30 đến 40 triệu USD) và phần lớn hạt giống rau lai F1 (trị giá cả trăm triệu USD). Ðể chủ động nguồn giống, hạn chế nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt 19 dự án sản xuất giống cây trồng (giai đoạn 2006 - 2010). Ðến nay, 16 dự án đã hoàn thành và hoàn thiện được 120 quy trình công nghệ nhân giống các loại lúa, ngô, chè, rau, cây ăn quả. Tuy nhiên, các cơ quan nghiên cứu nhà nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng về giống cây trồng của nông dân do số lượng đơn vị nghiên cứu, sản xuất kinh doanh hạt giống còn hạn chế. Hiện cả nước có 415 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, trong đó doanh nghiệp (DN) chiếm 59%, các Trung tâm giống cây trồng chiếm 31% và các thành phần khác chiếm 10%. Tuy nhiên, không phải đơn vị sản xuất giống cây trồng nào cũng làm tốt chức năng của mình. Qua tìm hiểu được biết, rất ít doanh nghiệp chịu kết hợp với các viện để đầu tư vào nghiên cứu các giống mới do chi phí cao, cho nên thay vì đầu tư lâu dài, phần lớn chỉ tập trung nhập khẩu hạt giống về bán để hưởng chênh lệch giá.
Tình trạng các doanh nghiệp, trung tâm giống cây trồng đi buôn hạt giống đã gây nên không ít hệ lụy cho người sản xuất nói riêng và ngành trồng trọt nói chung. Chỉ tính riêng năm 2011, Cục Trồng trọt thành lập 15 đoàn kiểm tra tại 63 tỉnh, thành phố và 665 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên phạm vi cả nước. Kết quả cho thấy có 162 tổ chức, cá nhân (chiếm 24,4%) vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Mười trung tâm giống cây trồng cấp tỉnh, bốn công ty sản xuất giống cây trồng, ba Viện sản xuất kinh doanh giống cây trồng không có đăng ký kinh doanh giống cây trồng... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Cục Trồng trọt đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng giống tại các tỉnh Tiền Giang, Ðồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, trong 133 mẫu lấy từ 35 đơn vị sản xuất kinh doanh giống lúa, có 18 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng hạt giống. Tại Gia Lai và Ðác Lắc, lấy 29 mẫu của tám công ty, đại lý thì tám mẫu không đạt quy chuẩn Việt Nam. Cần giải pháp tháo gỡ cụ thể
Muốn có một nền công nghiệp hạt giống lớn mạnh cần có các yếu tố như: Nghiên cứu chọn tạo giống; sản xuất hạt giống và khâu cuối rất quan trọng là kinh doanh hạt giống, đưa hạt giống đến với người nông dân. Trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một chiến lược dài hơi cho phát triển giống cây trồng. Vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống, sản xuất, chế biến, bảo quản và cung ứng hạt giống phát triển mạnh mẽ nhằm xây dựng ngành công nghiệp hạt giống Việt Nam tiên tiến, không những có thể giảm bớt nhập khẩu mà còn xuất khẩu giống ra thị trường khu vực. Do đó, Nhà nước cần xây dựng chiến lược tổng thể và đồng bộ phát triển giống cây trồng, lựa chọn một số giống cây chủ lực để phát triển thương hiệu. Ngoài ra, trong chiến lược phát triển hạt giống, việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, đội ngũ cán bộ làm công tác chọn tạo giống, hệ thống kiểm tra, giám sát, quản lý giống cây trồng... phải được quan tâm đúng mức. Cần thay đổi phương thức quản lý, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp một cách toàn diện, triệt để, khuyến khích các giống mới (gồm cả dòng bố mẹ và giống lai) được nghiên cứu chọn tạo trong nước có giá trị phục vụ sản xuất. Việc cấp kinh phí cần làm theo kiểu khoán gọn một lượng nhất định cho mỗi giống mới, thay cho việc cấp theo đề tài như lâu nay vẫn làm.
Ðể nâng cao năng lực sản xuất giống cây trồng, theo nhiều chuyên gia, việc gắn kết với doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Hiện nay chúng ta chưa thiết lập được hệ thống phân phối giống trong khi phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho một số doanh nghiệp lớn làm công tác nhân giống, để phục vụ sản xuất, không nên bó hẹp ở 18 viện, trung tâm nghiên cứu và sáu trường đại học nông nghiệp như hiện nay. Phương pháp sử dụng trong chọn tạo giống nên thay đổi từ kỹ thuật truyền thống bằng công nghệ sinh học hiện đại mới có thể chọn tạo được giống biến đổi gen (BÐG). Do đó, muốn chọn tạo được giống mới cạnh tranh được với những giống nhập nội yêu cầu tăng cường cho hoạt động phát triển nguồn gen, củng cố và phát triển việc thu thập, duy trì, đánh giá và sử dụng nguồn gen để tạo đầu vào giá trị cho hoạt động chọn tạo giống mới. Tham gia với Trung tâm rau thế giới (AVRDC) và Hội nghiên cứu và phát triển lúa lai của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) để tiếp cận, thụ hưởng và chuyển giao các nguồn gen mới kháng bệnh của cây rau và nguồn gen lúa lai nhiệt đới. Ðồng thời cổ phần hóa các trung tâm giống cây trồng tại các địa phương để có điều kiện cung ứng đủ lúa giống xác nhận (30% nhu cầu lúa giống) cho nông dân sản xuất.
Hiện nay, phần lớn các tỉnh phía bắc đều có công ty giống cây trồng và phần lớn đã được cổ phần hóa. Ngược lại, các tỉnh phía nam hầu hết đều là trung tâm giống nông nghiệp, chỉ có bốn tỉnh (gồm Quảng Nam, Lâm Ðồng, Ðồng Nai, An Giang) là có công ty cổ phần. Trong 13 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ duy nhất An Giang có Công ty cổ phần BVTV An Giang. Vì vậy, trong Quyết định 2194 của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất giống giai đoạn ba (2011 - 2015) đã có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu nhân giống và mở rộng giống cho sản xuất đại trà như vay vốn tín dụng, chính sách ưu đãi về đất đai, v.v.
Giống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng suất, chất lượng cây trồng. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như nâng cao giá trị cho hàng nông sản Việt Nam, ngành nông nghiệp cần sớm tháo gỡ khó khăn và có biện pháp hoàn thiện công tác sản xuất giống cây trồng cho phù hợp điều kiện mới.