Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Trị, đến năm 2009, tổng mức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở hai KCN Nam Ðông Hà và Quán Ngang là 68 tỷ đồng. Trong đó, KCN Nam Ðông Hà 54,4 tỷ đồng, có diện tích 99,635 ha, đã hoàn thành hệ thống đường bê-tông thảm nhựa, cấp điện, nước và đang chuẩn bị xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung... KCN Quán Ngang có diện tích 205 ha, hiện đang triển khai các hạng mục như nâng cấp tỉnh lộ 73, xây dựng đường trung tâm, hệ thống cấp nước, giải phóng mặt bằng... với tổng chi phí hơn 14 tỷ đồng. Ðến nay, KCN Nam Ðông Hà và Quán Ngang đã thu hút được 23 dự án đăng ký và triển khai đầu tư, với tổng số vốn hơn 1.567 tỷ đồng, trong đó KCN Nam Ðông Hà thu hút 19 dự án, với tổng mức đầu tư là 1.044 tỷ đồng. Tại đây, đã có ba dự án đi vào hoạt động, hai dự án đang triển khai xây dựng nhà máy và 15 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 12 dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. KCN Quán Ngang có bốn dự án đăng ký, với tổng số vốn là 523,6 tỷ đồng, trong đó có hai dự án đang triển khai và hai dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nếu so với quy mô của hai KCN theo quy hoạch thì số dự án đầu tư vào đây tính đến thời điểm này còn ít. Mặc dù tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư như hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng và công trình ngoài hàng rào; hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án và các ưu đãi về giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp... nhưng thật sự vẫn chưa tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Xét về điều kiện và lợi thế thu hút đầu tư thì mỗi KCN đều có những lợi thế nhất định. KCN Quán Ngang nằm cạnh quốc lộ 1A, gần nhà ga xe lửa Hà Thanh và Cảng Cửa Việt thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa. Thế nhưng sau khi dự án xây dựng nhà máy sản xuất bia Huđa không thực hiện, đến nay KCN vẫn chưa thu hút được một dự án tầm cỡ nào. Hiện tại KCN Quán Ngang mới chỉ có hai dự án là Chế biến khoáng sản ti-tan của Công ty CP khoáng sản Quảng Trị và sản xuất phân vi sinh của Công ty cao-su Quảng Trị đang triển khai xây dựng, với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Vì vậy cả một vùng đất rộng mênh mông, mặt bằng thuận lợi đang "nằm chờ" dự án.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao các KCN này chưa thu hút nhiều nhà đầu tư, chúng tôi được một số nhà đầu tư cho biết, do điều kiện thiên nhiên ở đây khắc nghiệt, kinh tế của tỉnh Quảng Trị chưa phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh chưa rộng mở, khả năng liên kết vùng thiếu chặt chẽ và nhất là việc giải quyết các thủ tục đầu tư còn rườm rà...
Về các CÐCN, đến nay tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và đưa vào hoạt động năm CÐCN; đang tiến hành xây dựng hai CCN; hoàn thành lập quy hoạch chi tiết năm CCN; đang triển khai lập quy hoạch một số CCN khác... Theo quy hoạch, tổng diện tích các CÐCN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rộng khoảng 700 ha, đó là chưa tính đến khả năng mở rộng quy mô của một số CCN. Ðến nay riêng sáu CCN trên địa bàn đã thu hút được 36 dự án, với tổng vốn đầu tư là 344,215 tỷ đồng, trong đó có 13 dự án đi vào hoạt động, chín dự án đang xây dựng, 14 dự án đã cấp phép đầu tư... Hoạt động của một số dự án tại các CÐCN đã giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Chủ trương đẩy mạnh quy hoạch và xây dựng các KCN, CÐCN là một hướng đi đúng đắn của tỉnh Quảng Trị, phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ CNH, HÐH đất nước. Tuy nhiên, việc quy hoạch và xây dựng các CÐCN cần phải tính đến thời gian hoàn thành nhằm tránh tình trạng "quy hoạch treo" của nhiều CCN do thiếu vốn xây dựng, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với các ban, ngành liên quan. Ðối với các KCN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý các KCN tỉnh Quảng Trị Nguyễn Cư cho biết, cơ quan này đang rà soát lại các dự án đã cấp đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng tiến độ triển khai chậm, không có khả năng đầu tư để xem xét thu hồi dự án, tránh tình trạng một số nhà đầu tư nhận đất, nhận giấy chứng nhận đầu tư rồi để đó. Ðến nay, một số dự án chậm triển khai cũng đã bị UBND tỉnh thu hồi như các dự án của Công ty TNHH gỗ Nghệ Phát, Công ty thương mại Quảng Trị, Công ty TNHH Thạc Thành.
Bên cạnh việc quy hoạch, cần phải tính đến khả năng kêu gọi thu hút dự án để lấp đầy KCN, CÐCN. Trước hết là khai thác hiệu quả đầu tư, tránh sự lãng phí quỹ đất do "quy hoạch treo" gây ra. Trên thực tế ngoài hai KCN cơ bản hoàn thiện về kết cấu hạ tầng, sẵn sàng kêu gọi đầu tư thì tiến độ triển khai quy hoạch và xây dựng các CÐCN đang còn chậm trễ.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HAI