Theo một điều tra xã hội học tại một số trường trung học phổ thông thuộc thành phố Điện Biên Phủ mới đây cho thấy: 98,7% số học sinh sử dụng mạng xã hội Facebook, trong đó 28% sử dụng từ 3 đến 5 giờ/ngày nhưng chỉ có 10% trong số đó là liên quan vấn đề học tập.
Một đặc điểm nổi bật của những người trẻ sinh sau năm 2000 là họ bị lệ thuộc khá nhiều vào internet; phần lớn không phân biệt nổi tin chính thống và không chính thống. Thí dụ khi nêu luận điểm, luận cứ, nhiều em không căn cứ vào sách, vở và kiến thức được học trên trường, thay vào đó sử dụng thông tin trên internet.
Đặc điểm của các trang mạng xã hội là thông tin nhanh, nhiều, nhưng bị trộn lẫn giữa những thông tin tốt với thông tin xấu, thiếu tính định hướng thông tin, tư tưởng, không ai phải chịu trách nhiệm, không ai kiểm chứng.
Những thông tin lệch lạc trên mạng xã hội khiến một bộ phận đoàn viên thanh niên hình thành những thói quen xấu và lối sống lệch lạc như: Lối sống thiếu văn hóa trong cử chỉ, lời ăn tiếng nói, lối sống thiếu trách nhiệm, thói quen sống “ảo”, mong muốn tạo chú ý, sử dụng mạng xã hội như nhật ký cá nhân để chia sẻ mọi cảm xúc, thói quen đam mê “tìm hiểu xã hội”, chạy theo các xu hướng, lệch chuẩn về khái niệm “thần tượng”. Lạm dụng mạng xã hội và internet làm cho các bạn sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo. Hệ quả là ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của một bộ phận giới trẻ.
Trong bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hiện Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ”. Người đứng đầu Đảng ta đặt niềm tin và kỳ vọng vào những đột phá các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước thông qua sự phát triển của ngành công nghệ thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên phát triển thật tốt: Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có một niềm tin sâu sắc đối với thanh niên. Tại Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, tổ chức tháng 12/2022, đồng chí khẳng định lại niềm tin ấy và nhắc nhở: Bản thân thanh niên và tổ chức Đoàn cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò và sứ mệnh quan trọng của mình, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ tri thức, đạo đức cách mạng để thực hiện bằng được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, sáng tạo.
Đáp lại niềm tin ấy, mỗi đoàn viên trong các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tích cực phấn đấu, tu dưỡng để trở thành những bộ lọc “gạn đục, khơi trong”, “lấy đẹp, dẹp xấu” trên không gian mạng. Phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp, tích cực phát triển môi trường số, không gian số lành mạnh, hiệu quả đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Các chi đoàn, liên chi đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, thảo luận về chủ đề internet và mạng xã hội để đoàn viên tự xây dựng khả năng miễn dịch khi tiếp xúc với những thông tin xấu, độc, phản động; vận động người thân, bè bạn nâng cao nhận thức về thông tin xấu, độc, phản động. Đó cũng là cách nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của thanh niên để đáp lại niềm tin tưởng của Tổng Bí thư.