Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã triển khai thực hiện dự án chuyển đổi xe buýt điện cho ba tuyến xe buýt theo chủ trương của thành phố trong thời gian ngắn nhất. Trải qua những khó khăn từ việc nghiên cứu, tìm hiểu công nghệ mới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc, hạ tầng cung cấp điện…, đến nay, doanh nghiệp đã đưa 46 xe buýt điện hoạt động trên ba tuyến xe buýt. Thời gian tới, doanh nghiệp này triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch chuyển đổi phương tiện, góp phần thực hiện quá trình chuyển đổi xanh của thành phố.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về chuyển đổi phương tiện công cộng xanh với 128 tuyến xe buýt được trợ giá với hơn 1.900 xe buýt, trong đó có 328 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 17,26% tổng số phương tiện. Hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm hàng chục nghìn tấn CO2. Đáng kể nhất là việc thành phố đã đưa vào hoạt động hai tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến Cát Linh-Hà Đông và đoạn trên cao của tuyến Nhổn-ga Hà Nội chạy bằng điện, mỗi ngày vận chuyển hàng trăm nghìn lượt hành khách. Cùng với đó, thành phố đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe ta-xi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.
Với quyết tâm “xanh hóa” phương tiện vận tải hành khách công cộng, đầu tháng 7/2024, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất triển khai Ðề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố. Ba kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030 đã được xây dựng. Trong đó, kịch bản lạc quan nhất là 100% xe buýt điện; tiếp đó là kịch bản 2 gồm 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG và cuối cùng là kịch bản 3, với 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất thực hiện theo kịch bản 3, khi điều kiện cho phép thì theo kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG) và sau năm 2040 thì theo kịch bản 1 (100% xe buýt điện). Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần tăng thêm nhiều ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng hướng tới sử dụng xe buýt chạy bằng điện và bằng khí CNG. Tuy nhiên, cần thiết hơn cả là việc thực hiện các biện pháp hạn chế xe cá nhân để hướng người dân đến với sử dụng phương tiện giao thông công cộng, vừa bảo đảm tránh ùn tắc giao thông, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường Thủ đô ■