Mục đích của việc xây dựng, ban hành bộ quy tắc nhằm tạo ra khuôn khổ, hình thành các chuẩn mực đạo đức đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Bản dự thảo bộ quy tắc (gồm 3 chương, 11 điều), nêu rõ hành vi ứng xử ở đây là những phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài quy tắc ứng xử chung, dự thảo đưa ra các quy tắc cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, với công chúng, khán giả; ứng xử trong công tác xã hội, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Đặc biệt, dự thảo bộ quy tắc nhấn mạnh: nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo phải bảo đảm truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, đúng quy định của pháp luật về quảng cáo; không thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan; không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật; phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện...
Thời gian qua, dư luận không khỏi bức xúc trước các hành vi lệch chuẩn của một số nghệ sĩ, từ việc ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa cho đến thiếu minh bạch khi làm từ thiện, quảng cáo sai sự thật… Vì vậy dự thảo bộ quy tắc đang được dư luận rất quan tâm, kỳ vọng khi ban hành nó sẽ góp phần thanh lọc, làm trong sạch môi trường hoạt động nghệ thuật.
Tuy nhiên, bộ quy tắc chỉ có giá trị định hướng hành vi của nghệ sĩ, chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không có chế tài xử phạt cấm sóng, cấm diễn đối với các cá nhân khi vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Do vậy, không thể kỳ vọng bộ quy tắc sẽ làm thay đổi ngay lập tức và mạnh mẽ cung cách ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Bản chất của bộ quy tắc là tập hợp các quy định về các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa, mang tính hướng dẫn hành vi, giúp người hoạt động nghệ thuật biết được ranh giới, ngưỡng để ứng xử, biết việc nào nên làm, không nên làm, phải làm, không được phép làm.
Đối với công chúng, bộ quy tắc cung cấp cơ sở đánh giá chung cho xã hội, giúp định hướng cho dư luận xã hội về chuẩn mực hành vi của nghệ sĩ, tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc đánh giá, nhìn nhận hành vi của các nghệ sĩ. Bộ quy tắc là “khung cơ sở” để các cơ quan, đơn vị, tổ chức nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật xây dựng những nội quy, quy tắc riêng để áp dụng với thành viên, hội viên trực thuộc.
Do đó, bộ quy tắc được ví như “hương ước” của giới nghệ sĩ. Với hương ước truyền thống của cha ông ta, những quy tắc, chuẩn mực về đạo đức, xã hội do cộng đồng lập ra để điều chỉnh các hành vi, ứng xử của các thành viên và cả cộng đồng luôn được bảo đảm tuân thủ thực hiện bằng tinh thần tự giác của mỗi người và bằng sức mạnh trừng phạt “mềm” là sự lên án của dư luận cộng đồng, xã hội.
Sức mạnh “mềm” ấy ở nhiều trường hợp cũng có tính răn đe không hề thua kém sức mạnh chế tài pháp luật, đến mức như cha ông ta từng dạy: “Trăm năm bia đá thì mòn/Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, để khuyên răn con người ta đừng làm những chuyện xấu, sống thấp hèn. Đặc biệt, đối với lĩnh vực nghệ thuật, sự trừng phạt bằng dư luận xã hội, bằng sự tẩy chay của công chúng sẽ là “chế tài” nặng nhất, nghiêm khắc nhất đối với những nghệ sĩ vi phạm, vượt ranh giới của chuẩn mực đạo đức, xã hội.