Cùng với đó nhiều hoạt động giới thiệu về áo dài ngũ thân đã đón nhận sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo công chúng, tiêu biểu như không gian áo dài ngũ thân tại Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt thực hiện đầu năm 2021. Cùng thời gian, tại Câu lạc bộ Đọc sách cùng con (Hà Nội) cũng đã diễn ra buổi giới thiệu áo dài ngũ thân tới các em học sinh, hay buổi du xuân phố cổ Hà Nội trong bộ trang phục truyền thống này được thực hiện bởi các thành viên Câu lạc bộ Đình làng Việt tạo những ấn tượng tốt đẹp với người xem. Trước đó, năm 2017, Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống chính thức ra đời, trở thành địa chỉ dành cho những người yêu mến bộ trang phục truyền thống này. Được biết những người thành lập trung tâm mong muốn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, tuyên truyền bổ ích, thiết thực giúp công chúng thêm hiểu, trân trọng giá trị của trang phục dân tộc từ đó định hướng và thúc đẩy phong trào mặc áo dài truyền thống trong những dịp lễ, Tết, hội hè...; từng bước nâng cao tính ứng dụng của các bộ trang phục truyền thống trong đời sống đương đại.
Cùng với việc làm sống dậy vẻ đẹp của áo dài ngũ thân, có thể thấy những năm qua nhiều hoạt động phục dựng, phát huy, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu như việc phục dựng các trò chơi dân gian, tái hiện Tết Việt, phục dựng các lễ hội truyền thống. Cụ thể trong năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn bảy lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số để phục dựng, bảo tồn gồm: Lễ hội truyền thống dân tộc Lào (tỉnh Điện Biên); Lễ hội truyền thống dân tộc La Chí (huyện Quang Bình, Hà Giang); Lễ hội truyền thống dân tộc Nùng (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang); Lễ hội truyền thống dân tộc Thái (tỉnh Yên Bái); Lễ hội truyền thống tỉnh Bình Phước; Lễ hội truyền thống dân tộc Si La (tỉnh Lai Châu); Lễ hội truyền thống dân tộc Gia Rai (tỉnh Kon Tum)... Hay gần đây, một hoạt động được nhiều người quan tâm đó là dự án “Họa sắc Việt” của nhóm S-River Agency nhằm phục dựng tranh dân gian Hàng Trống để từ đó cho ra đời các sản phẩm ứng dụng có họa tiết, mầu sắc đặc trưng của dòng tranh này. Chào đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhóm đã sáng tác bộ phong bao lì xì chủ đề “Ú Òa! Năm mới mở ra” lấy cảm hứng sáng tạo từ tranh Hàng Trống về Tết, kết hợp giữa yếu tố cổ truyền và thiết kế hiện đại được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Điều đáng quý là nhiều hoạt động phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống thời gian qua được thực hiện bởi các cá nhân, hội, nhóm có cùng sở thích, đam mê, với mong muốn lan tỏa các giá trị tinh hoa dân tộc đến cộng đồng, nhất là với người trẻ. Như vậy trong công cuộc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì sự hưởng ứng, tham gia của người dân là rất đáng trân trọng, cho thấy các giá trị đích thực sẽ luôn có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống.
Hiện nay Việt Nam đang ngày càng hội nhập mạnh mẽ với thế giới, giao lưu văn hóa ngày càng phát triển. Do đó việc bảo tồn, phát huy và không ngừng làm giàu tài sản văn hóa của dân tộc càng trở nên vô cùng cần thiết, góp phần quảng bá những nét tinh hoa, đặc sắc của dân tộc đến bạn bè các nước và từng bước xác lập “căn cước văn hóa Việt” trên trường quốc tế.