Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:

Xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản phục vụ dạy học trực tuyến

NDO -

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4040, trong đó xác định một chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản nhằm phục vụ cho việc dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 11/11.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 11/11.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/11, đại biểu Quốc hội Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) nhận định dạy và học trực tuyến trong tình hình hiện nay là giải pháp phù hợp, tuy nhiên chương trình vẫn là chương trình dạy trực tiếp, gây áp lực cho cả cô và trò, và sẽ dẫn đến tình trạng giáo viên ưu tiên nội dung để dạy, có thể khiến học sinh bị lệch kiến thức.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch điều chỉnh chương trình học trực tuyến phù hợp từng bậc học để bảo đảm khi học sinh quay lại trường không bị hổng kiến thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết năm 2019-2020, trước tình hình dịch bệnh, Bộ đã 2 lần thực hiện tinh giảm chương trình để phù hợp tình hình dạy học trong điều kiện dịch bệnh.

Năm học 2021-2022, Bộ tiếp tục rà soát một lần nữa, nhưng lần này đã xác định một chương trình có tính chất cốt lõi. Theo đó, đối với các địa phương đang dạy trực tiếp thì dạy trước các nội dung đúng theo chương trình cốt lõi, nếu như vẫn tiếp tục an toàn thì quay lại củng cố và mở rộng. Còn những nơi dạy trực tuyến thì bám theo chương trình cốt lõi đó, khi được quay trở lại nhà trường sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng thêm.

“Chương trình cốt lõi là một giải pháp về chuyên môn ứng phó với tình hình dạy học đa dạng ở các khu vực, vùng miền. Theo chương trình này, việc dạy trực tuyến chỉ cần bám theo chương trình cốt lõi, các nội dung kiểm tra đánh giá cũng chỉ dựa trên chương trình cốt lõi này, chứ không phải bê nguyên xi chương trình bình thường bên ngoài để vào dạy trực tuyến”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Xây dựng một nền tảng học trực tuyến đồng bộ, bền vững mang tầm quốc gia

Làm rõ vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục theo hình thức đào tạo trực tuyến nói chung và dạy học trực tuyến nói riêng mà đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh cần phải đầu tư để hình thành một nền tảng học trực tuyến đồng bộ, bền vững mang tầm quốc gia.

Việc này đòi hỏi sự tham gia của các tập đoàn trong hệ thống bưu chính viễn thông vào kế hoạch lớn thuộc chuyển đổi số toàn quốc gia, chứ không phải mỗi nơi có một nền tảng khác nhau và làm một kiểu. Ngoài ra, cũng cần xây dựng kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn, để khi có một nền tảng, việc học tập trực tuyến sẽ được bảo đảm.

Xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản phục vụ dạy học trực tuyến -0
Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước). (Ảnh: Media Quốc hội)  

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến ngày 30/10/2021, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bộ trưởng cho rằng, các quy định, hướng dẫn dạy và học trực tuyến hiện nay tương đối đầy đủ, nhưng vẫn thiên về ứng phó tạm thời. Sau đợt dịch này, Bộ sẽ đánh giá sâu hơn và pháp chế hóa một số văn bản còn có tính chất hướng dẫn tạm thời nhằm bảo đảm bền vững và lâu dài.

Sẽ đánh giá và công bố các nền tảng học trực tuyến đạt chuẩn

Trả lời vấn đề bảo đảm hạ tầng cho học trực tuyến, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hạ tầng mạng viễn thông, mạng di động hiện nay còn 2.000 điểm lõm sóng, trong 2 tháng vừa qua đã phủ sóng được 1.000 điểm, 1.000 điểm còn lại sẽ cố gắng phủ sóng trong năm 2021, chậm nhất là tháng 1/2022.

Về mạng cố định đưa cáp quang về các hộ gia đình, hiện còn khoảng 8 triệu hộ gia đình chưa có cáp quang. Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các doanh nghiệp chậm nhất trước năm 2025 cơ bản các hộ gia đình Việt Nam sẽ tiếp cận cáp quang.

Xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản phục vụ dạy học trực tuyến -0
 Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Về chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ đây là một chương trình xã hội giúp đỡ các em học sinh do Thủ tướng Chính phủ phát động, gồm 3 cấu thành với tổng giá trị 6.000 tỷ đồng.

Thứ nhất là 1 triệu máy tính bảng cho các em với giá trị 2.500 tỷ đồng, hiện nay đã giao hơn 100 nghìn máy, vì đứt gãy chuỗi cung ứng nên việc mua khó khăn, phải đặt hàng trước, nhưng từ tháng sau số máy về sẽ rất là nhanh. Thứ 2 là phủ sóng 2.000 điểm lõm sóng còn lại với giá trị 3.000 tỷ đồng. Thứ 3 là miễn giảm cước học trực tuyến cho một số đối tượng đến hết năm 2021 với giá trị 500 tỷ đồng.

Liên quan đến phát triển các nền tảng học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện có 6 nền tảng học trực tuyến “made in Vietnam”, không chỉ là nền tảng truyền hình, mà còn là nền tảng học liệu, nội dung, bài giảng mẫu, bài giảng hay, công cụ soạn bài giảng cho giáo viên, cũng như nền tảng tự học của học sinh và quản lý học sinh học và thi.

“Các nền tảng này đang được các doanh nghiệp Việt Nam miễn phí trong giai đoạn Covid-19 và hiện có khoảng 10 triệu học sinh đang sử dụng. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang soạn tiêu chí, tiêu chuẩn cho các nền tảng này, và sẽ tổ chức đánh giá công bố các nền tảng đạt chuẩn”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Về vấn đề an toàn thông tin của các thiết bị đầu cuối và các nền tảng đào tạo trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo phát triển một phần mềm để cài vào điện thoại thông minh để bố mẹ có thể kiểm soát các con truy cập trang web. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa ra tiêu chuẩn an toàn thông tin cho các nền tảng dạy học trực tuyến để đánh giá và công bố.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV