Xác định chết não trong Dự luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người

Chết não là một nội dung rất quan trọng (xét cả về mặt chuyên môn lẫn góc độ pháp luật) và quá nhạy cảm nên vẫn còn khá nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề này. Tuy nhiên, các tranh luận đều gặp nhau ở một điểm khi cho rằng cần phải có những quy định pháp lý rõ ràng để các nhà chuyên môn thực thi công việc, cũng như tránh các khiếu kiện về sau.

Chết não - một vấn đề quá nhạy cảm

Chương V (bao gồm Điều 27, 28) của Dự luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người (Dự luật) là một chương trình dành riêng cho các quy định về chết não. Trước đó, tại Điều 3 của Dự luật, khái niệm chết não cũng đã được giải thích "là tình trạng não bị tổn thương nặng, mất toàn bộ chức năng của não và không hồi phục".

Theo các quy định tại Điều 27 thì chết não là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể người và một người được xác định là chết não hay không phải hội đủ các điều kiện như có đủ tiêu chuẩn chết não về lâm sàng, thời gian và thực nghiệm; được nhóm chuyên gia xác định chết não trực tiếp khám và kết luận chết não...

Có thể nói, đây là một nội dung rất quan trọng, xét cả về mặt chuyên môn lẫn góc độ pháp lý của luật hiến ghép mô tạng bất kỳ quốc gia nào, chứ không riêng gì luật Việt Nam. Thực tiễn và kinh nghiệm hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người trên thế giới cho thấy, chủ yếu nguồn mô, tạng, bộ phận cơ thể người được lấy từ những người chết não và đây cũng là xu hướng chung của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân giúp cho việc tiến hành ghép mô, bộ phận cơ thể người thành công ở một số nước trên thế giới là phải có các quy định pháp luật rõ ràng và chi tiết cho phép tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người chết não.

"Cá nhân có quyền được hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khái hoặc nghiên cứu khoa học. Việc hiến và sử dụng xác, bộ phận cơ thể người được thực hiện theo quy định của pháp luật.

(Điều 34 "Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể
người sau khi chết" - Bộ luật Dân sự năm 2005)

Ở Việt Nam, khái niệm "chết não" vẫn còn khá mới mẻ, ngay cả đối với nhiều người trong ngành Y. Hơn nữa, đây lại là vấn đề quá nhạy cảm, đặc biệt là đối với nước thuộc nền văn hóa phương Đông như nước ta. Vì, một người dù được gọi là chết não thì tim vẫn còn đập, cơ thể vẫn hồng hào, mềm mại. Gia quyến của người đó, dù biết chắc chắn rằng thân nhân của mình không bao giờ sống lại được cũng khó mà có thể chấp nhận việc cho ngưng mọi biện pháp hồi sức, thở máy, truyền dịch... để chấm dứt sự tồn tại thực vật của người đó. Thế thì nói gì đến việc có thể lấy các mô, tạng, bộ phận để cấy ghép kịp thời và chắc chắn là cũng không một bác sĩ nào, một người chờ ghép mô, tạng nào dám có ý kiến về sự "chậm trễ" này.

Các quy định về chết não trong Dự luật vì những lý do trên nên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt lưu ý để thảo luận trong cuộc họp. Còn nhiều tranh luận nhưng nhìn chung các ý kiến đều nhất trí rằng cần phải có những quy định pháp lý rõ ràng để các nhà chuyên môn thực thi công việc, cũng như tránh các khiếu kiện về sau. Ngoài ra, cũng cần một quá trình lâu dài và những bước đi phù hợp để thu hẹp khoảng cách giữa những kiến thức thu nhận được với việc thay đổi hành vi, quan niệm xã hội về vấn đề này.

Xác định chết não - có cần giám định viên pháp y?

Mặc dù theo Điều 28 của Dự luật, giám định viên pháp y (GĐVPY) là một trong ba chuyên gia xác định việc chết não và GĐVPY cũng là người công bố quyết định chết não, nhưng xem ra vẫn còn khá nhiều loại ý kiến xoay quanh sự có mặt của GĐVPY trong hoạt động này.

Loại ý kiến thứ nhất nhìn chung đồng ý với Dự luật, vì cho rằng đây là vấn đề còn rất mới, lại có liên quan trực tiếp đến sinh mạng của con người nên rất cần sự tham gia của GĐVPY để đảm bảo tính pháp lý cao. GĐVPY sẽ là người công bố cuối cùng và là người chứng kiến mổ khám nghiệm. Các bệnh viện đều có GĐVPY và những người này rất có chuyên môn nên có thể xử lý được.

Theo loại ý kiến thứ hai, hiện nay đội ngũ GĐVPY rất mỏng, đặc biệt là ở địa phương, nên chỉ cần hai chuyên gia (bác sĩ) thuộc chuyên khoa hồi sức cấp cứu thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh. Khi được trưng cầu các chuyên gia này sẽ giám định độc lập và nếu họ có cùng một kết luận "chết não" là đủ cơ sở để kết luận chết não. Quy định như vậy sẽ đáp ứng yêu cầu về thời gian và có tính khả thi. Hơn nữa, điều này cũng phù hợp với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Trung hòa với hai loại ý kiến trên, có ý kiến đề nghị đối với các trường hợp tử vong bình thường trong bệnh viện thì chỉ cần có hai chuyên gia, còn đối với trường hợp đặc biệt cần giám định thì bổ sung thêm GĐVPY.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Dương - Viện trưởng Viện Y học Tư pháp T.Ư - sự có mặt của GĐVPY khi xác định chết não sẽ làm tăng tính bảo đảm để luật có thể đi vào cuộc sống. Ông Dương nói: "Đối với giới pháp y, việc tham gia xác định chết não như trong quy định của Dự luật là thêm một sức nặng cho công việc vốn đã rất nặng nề của chúng tôi. Nhưng từ thực tế cũng như kinh nghiệm nước ngoài có thể thấy, đối tượng chết não để tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể đa phần là những người chết trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động, trong các vụ án hình sự... Bình thường, đối với những đối tượng này theo quy định của luật tố tụng hình sự đã cần phải có sự giám định của GĐVPY khi xác định tình trạng. Còn nếu như họ lại nằm trong diện lấy mô, bộ phận thì sự có mặt của GĐVPY lại càng cần thiết hơn, vì cơ quan điều tra chắc chắn sẽ không bao giờ cho phép tiến hành nếu không có GĐVPY tham gia".

Về phía Bộ Y tế - cơ quan tham mưu cho việc xây dựng Dự luật, thì chết não cũng như việc xác định chết não là một quá trình phức tạp, liên quan đến sự công bố về cái chết của một con người. Chính vì thế nên không thể thiếu sự có mặt của GĐVPY. Mặc dù quy định về sự tham gia của GĐVPY có thể làm cho quá trình xác định và công bố chết não kéo dài thời gian hơn (vì nhiều lý do, trong đó có lý do đội ngũ GĐVPY hiện nay còn mỏng, phân bố không đều tại các địa phương) nhưng với quy định này, tính pháp lý sẽ được đảm bảo, tránh cho những người thực hiện phải đối mặt những khiếu kiện sau này, nhất là khi vấn đề hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người còn quá mới mẻ và nhạy cảm ở nước ta.

Có thể bạn quan tâm