WTO, WIPO, WHO công bố nền tảng chung giúp thu hẹp khoảng cách về tiếp cận vaccine

NDO -

Ngày 24-6, những người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thông báo về một nền tảng chung nhằm giúp các nước thu hẹp khoảng cách trong việc tiếp cận vaccine, phương pháp điều trị và công nghệ liên quan tới bệnh Covid-19.  

Từ trái qua phải: Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala và Tổng giám đốc WIPO Daren Tang. (Ảnh: WHO)
Từ trái qua phải: Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala và Tổng giám đốc WIPO Daren Tang. (Ảnh: WHO)

Trong một tuyên bố chung, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WIPO Daren Tang và Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nêu rõ: "Chúng tôi sẽ triển khai một nền tảng chung về hỗ trợ công nghệ ba bên cho các nước liên quan tới nhu cầu của họ đối với công nghệ y khoa liên quan tới Covid-19".  

Tuyên bố nêu rõ, nền tảng này sẽ hỗ trợ các quốc gia trong việc tiếp cận và ưu tiên hóa những nhu cầu chưa được đáp ứng đối với vaccine phòng Covid-19, thuốc điều trị và các công nghệ có liên quan khác. Nền tảng này cũng sẽ giúp các nước tận dụng mọi sự lựa chọn sẵn có để tiếp cận những công cụ như vậy, trong đó thông qua hợp tác với các nước cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự. 

Các nhà lãnh đạo WHO, WIPO và WTO cũng thông báo tổ chức một loạt cuộc hội thảo chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy việc tiếp cận công bằng với công nghệ liên quan tới Covid-19. 

WHO đang kêu gọi tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất vaccine trên toàn thế giới, từ đó giúp các nước nghèo trên thế giới có thể tiếp cận được vaccine. 

Theo số liệu của hãng tin AFP, gần 2,8 tỷ liều vaccine phòng Covid-19 đã được sử dụng ở ít nhất 216 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở những nước có thu nhập cao nhất theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), cứ 100 dân thì có 76 liều vaccine được sử dụng. Trong khi đó, ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, tỷ lệ này là 1 liều/100 dân.