World Cup 2022: Đội tuyển Tây Ban Nha sẵn sàng đối đầu với Đức

Dù cả Tây Ban Nha và Đức được giới chuyên gia đánh giá là ở “cửa trên” nhưng chắc chắn hai đội bóng châu Âu không thể xem thường Nhật Bản và Costa Rica.
0:00 / 0:00
0:00
Pedri - cầu thủ đại diện cho thế hệ trẻ lên ngôi của bóng đá Tây Ban Nha. (Ảnh: SI)
Pedri - cầu thủ đại diện cho thế hệ trẻ lên ngôi của bóng đá Tây Ban Nha. (Ảnh: SI)

Mỗi khi có giải đấu bóng đá lớn diễn ra, người hâm mộ đều đợi chờ bảng đấu được xem là “bảng tử thần."

Và tại World Cup 2022 sắp tới, bảng E được kỳ vọng sẽ tạo ra những điều bất ngờ khi cả 4 đội đều có những chất riêng của họ, đại diện cho từng châu lục. Dù cả Tây Ban Nha và Đức được giới chuyên gia đánh giá là ở “cửa trên” nhưng chắc chắn hai đội bóng châu Âu không thể xem thường Nhật Bản và Costa Rica.

Nhìn vào những tháng qua, Tây Ban Nha tiến bộ không ngừng dưới bàn tay của huấn luyện viên Luis Enrique. Tại EURO 2020, sau chuỗi trận vòng bảng gặp khó khăn, các cầu thủ Tây Ban Nha đã chơi khởi sắc. Những tài năng trẻ như Pedri hay Gavi đã sớm trở thành trụ cột cho đội, đưa La Roja vào sâu ở giải đấu năm ngoái, chỉ chịu dừng bước trước tuyển Italia ở vòng bán kết.

Trong quá trình chuẩn bị cho World Cup 2022, huấn luyện viên Enrique thử nghiệm nhiều đội hình, dĩ nhiên vẫn là dựa trên khả năng giành bóng và kiểm soát thời lượng giữ bóng trên sân. Tuy nhiên, vấn đề lâu nay của Tây Ban Nha là thiếu một cây săn bàn thực thụ.

Phải nói rằng, giai đoạn của những David Villa, Fernando Torres hay Raul Gonzalez… đã qua rất lâu. Hàng công của Tây Ban Nha chưa có cái tên mới nào xứng đáng để thay thế những đàn anh huyền thoại. Có lẽ, giải quyết được vấn đề hàng công sẽ là chìa khóa mang tới thành công cho Tây Ban Nha ở giải đấu sắp tới tại Qatar.

Trong khi đó, cũng như Tây Ban Nha, Đức đặt niềm tin vào sức mạnh của các cầu thủ trẻ. Dưới thời huấn luyện viên Hansi Flick, mọi thứ suôn sẻ cho “Cỗ xe tăng” ở vòng loại khu vực châu Âu. Điều này có được chính là nhờ sức mạnh “liên kết” giữa đội tuyển với câu lạc bộ Bayern Munich. Đây vốn không phải là điều xa lạ khi ông Flick từng dẫn dắt “gã khổng lồ” của bóng đá Đức. Chính vì vậy, khi lên nắm đội tuyển, việc đầu tiên ông làm là sử dụng những cầu thủ mà mình đã hiểu lâu nay.

Khung thành vẫn là Manuel Neuer, trong khi hàng tiền vệ là cặp đôi Joshua và Leon Goretzka, trên hàng công là cặp tiền đạo cánh Leroy Sané và Serge Gnabry. Sức mạnh và sự ăn ý của những cầu thủ đang chơi cùng màu áo ở cấp câu lạc bộ đang giúp cho tuyển Đức thi đấu tốt hơn trong thời gian qua, nếu tính từ trận thua tuyển Anh ở EURO 2020.

Về vị trí còn lại trên hàng công, việc thiếu vắng Timo Wener sẽ đồng nghĩa Kai Havertz có vai trò lớn hơn trong lần đầu dự World Cup. Ngoài ra, một “quân bài bí mật” khác cũng tới từ Bayern Munich mà huấn luyện viên Flick có trong tay chính là tài năng trẻ Jamal Musiala. Cầu thủ này đang mang tới những giải pháp cực hay cho những thế trận của tuyển Đức.

Sẽ chẳng nói quá khi so sánh anh với chính David Silva của Tây Ban Nha lúc sung sức, thậm chí là hơn. Do đó, nhiều cổ động viên của Đức đang rất nóng lòng được xem Jamal Musiala thi đấu trận gặp Tây Ban Nha ở vòng bảng.

Tiếp theo, đại diện tới từ châu Á là Nhật Bản - đội bóng quá đỗi quen thuộc với các kỳ World Cup. Với nhiều người hâm mộ, nếu Hàn Quốc đánh bại được Đức ở World Cup 2018 thì tại sao Nhật Bản không thể làm điều tương tự. Đây đang là niềm tin mà những người yêu mến “Blue Samurai” đặt vào, đặc biệt là khi họ có những cái tên đang chơi chói sáng ở châu Âu. Thành quả của nhiều năm đầu tư cho bóng đá trẻ và hướng đến việc phát triển sự nghiệp tại châu Âu.

Thậm chí, huấn luyện viên Hajime Moriyasu còn phải rất đau đầu khi ông có quá nhiều cầu thủ đang chinh chiến ở châu Âu nhưng không thể gọi hết lên đội tuyển, như trường hợp của Kyogo Furuhashi.

Với Nhật Bản, sau khi vượt qua được vòng bảng tại kỳ World Cup ở Nga nhưng dừng bước trước Bỉ, World Cup 2022 sẽ là cơ hội để họ thử sức mình. Chắc chắn rằng không có chuyện Nhật Bản phải chơi co cụm hay chịu đựng trước Đức hay Tây Ban Nha. Trình độ của các cầu thủ Nhật Bản đã tiến bộ rất nhiều, điều họ cần nhất chính là sự tập trung cho những khoảnh khắc quyết định và bản lĩnh khi cần của một trận đấu lớn.

Cuối cùng, đội bóng không được chú ý nhất của bảng là Costa Rica. Mặc dù vậy, đội bóng tới từ khu vực Concacaf không phải là đối thủ dễ bị bắt nạt. Los Ticos là đội cuối cùng giành vé dự World Cup sau khi thắng New Zealand trong trận play-off.

Tuy nhiên, điều mà các đối thủ của đội bóng này cần nhớ tới bài học lịch sử năm 2014. Họ cũng rơi vào bảng từ thần khi gặp cả Uruguay, Italia và Anh. Nhưng sau 3 trận vòng bảng năm đó, Costa Rica đứng đầu bảng, gây bất ngờ cho cả thế giới. Trong bóng đá, thường có câu nói đùa rằng “thứ bóng đá dễ chơi nhất là phòng ngự phản công.”

Dĩ nhiên, đây là chỉ câu nói vui để động viên các đội bóng yếu khi gặp phải đối thủ mạnh. Nhưng với Costa Rica, họ không có gì để mất, chưa kể lại có tâm lý thoải mái nên mọi chuyện bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra.