Wolfgang Laib và triển lãm ấn tượng tại Viện Goethe Hà Nội

Wolfgang Laib đã đi khắp nơi trên thế giới, Ấn Độ, Tây Tạng, Iran, Pakistan, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Paris, London, New York... và thông hiểu nhiều tôn giáo lớn.

Triển lãm của Wolfgang Laib tại Hà Nội gồm các tác phẩm Nhà gạo, Viên đá sữa, thuyền sáp ong được tạo ra từ gạo, phấn hoa, sáp ong, đá cẩm thạch (marmor) và sữa.

Nếu bạn từng được học nghe nhịp thở của một bông hoa, hơi thơ của một ngụm nước thì xem triển lãm của Wolfgang Laib có thể nghe được tiếng thở của các sinh thể sống khác, ngay cả đá cẩm thạch (marmor), loại đá rắn cứng nhất, tinh khiết nhất, nhiều tuổi đến từ vùng Carrara (Italy).

Tác phẩm phiến đá sữa đầu tiên Wolfgang Laib thực hiện năm 1975 đã thu hút sự chú ý của giới nghệ thuật quốc tế. Wolfgang Laib đặt phiến đá cẩm thạch hình vuông trên nền khu triển lãm, phiến đá được mài đều đặn trong hai tháng với mặt võng có những đường răng cưa nhỏ. Ông chậm rãi, chậm rãi đổ sữa và dùng ngón tay dẫn sữa chạy lan dần tới từng mép, từng góc của phiến đá tạo ra mặt phẳng trắng loáng.

Thiền định gặp gỡ con người Wolfgang Laib một cách tự nhiên và không dấu vết. Để có phấn hoa, ông hòa nhập dễ dàng và nhẹ nhàng với những cánh đồng hoa để thu lượm phấn, cảm giác biến mất vào thiên nhiên, sự không giới hạn của thân thể giữa mùa hoa bồ công anh hay mùa hoa hạt dẻ vào tháng ba khi mà mầu của không khí tưởng như vàng hết cả.

Cũng như vậy, khi ông rót và đưa sữa đi nhẹ nhàng thế, cảm giác hơi thở khỏe và nhẹ đến mức có thể tạo ra bất kỳ sự thăng bằng nào trên bất kỳ sự mong manh nào. Đó là thiền định tự nhiên và sự thiền định không biên giới ấy mang vẻ đẹp châu Á trong sự hài hòa của thiên nhiên châu Âu.

Quá trình hình thành phiến đá sữa cũng giống như quá trình nuôi dưỡng sự sống từ sự lạnh lẽo của quá khứ.

Sữa là dầu từ cơ thể người mẹ, ấm áp, linh hoạt, mềm mại và đá cẩm thạch là biểu tượng của sự kết tinh tưởng như không gì lay chuyển nổi. Và điều kỳ lạ, vài giờ sau, những hơi thở khẽ của sữa lách vào kẽ đá thật nhỏ thật nhỏ. Sự sống hay sự bất tử chính là sự nuôi dưỡng trong lòng quá khứ những hơi ấm của hôm nay. Khi Wolfgang Laib rót sữa đấy là một nghi thức.

Khi ông thở khẽ để thu lượm phấn hoa trên cánh đồng, rắc lọc qua các lớp vải phin, rơi xuống các không gian triển lãm và khi ông thu dọn lại những thảm phấn hoa ấy sau triển lãm, tất cả đều là nghi thức nhẹ nhàng, chậm rãi.

Năm 1975, học xong y khoa sáu năm, ông từ chối trở thành một bác sĩ, ông làm nghệ thuật: nghệ thuật hàn gắn - art of healing.

Cha của Wolfgang Laib là bác sĩ tham gia dự án hỗ trợ về sức khỏe tại Ấn Độ. Từ bé Wolfgang Laib đã cùng cha mẹ đến đất nước này và chia sẻ triết học tồn tại tự nhiên trong các chi tiết đời sống đạm bạc hằng ngày của người dân nghèo Ấn Độ. Ông đến Ấn Độ nhiều lần và có thời gian sống rất giản dị, thanh đạm tại đây.


Tác phẩm Nhà Gạo
hình dáng tối giản của
những "ngôi nhà" cổ.

Vì thế bên cạnh sự ngưỡng mộ các thành tựu thực sự vì con người, Wolfgang Laib sớm hiểu cơ thể không chỉ là cơ thể mang tính vật chất và khoa học không thể chỉ hiểu con người bằng cách đơn giản chia nhỏ li ti thành bản đồ gene. Cuộc sống và ánh sáng của sự tự nhận thức đã sắp xếp để Wolfgang Laib được gần gũi thiên nhiên và gần gũi với những triết lý sống thông thái, những triết lý chống lại sự lãng quên tập thể tai hại về bản thể.

Milan Kundera chỉ ra tốc độ làm biến mất con người. Không chỉ Kundera, nhiều tác gia văn học, các triết gia, các nhà khoa học đều đã dự báo và cảnh báo về tốc độ của khoa học. Khoa học mà loài người đang tiến hành có thể mang lại một "cuộc tàn sát tiềm ẩn và cận kề" với sự tiến bộ khủng khiếp về công nghệ nhân bản người. Và rồi cả những tiếng ầm khác. Cái ranh giới vi phạm sự bí ẩn của sinh tồn chỉ còn là gang tấc.

Sự chậm rãi và tỉ mẩn trong các tác phẩm của Wolfgang Laib cũng như những nhân cách nghệ thuật đi tìm bản thể, đi tìm thiên nhiên khác, là sự quay trở lại với điểm bắt đầu của hành trình không phải để quay người lại mà để đi tiếp với cảm giác về phía sau và hình ảnh trước mắt. Sự chậm rãi, sự im lặng làm cho nhận thức của chúng ta về các sinh linh thêm nhạy bén, một nhà thơ đã viết như thế.

Wolfgang Laib cảm thấy dễ chịu với mầu vàng, mầu vàng dịu nhẹ bay bổng của phấn các loại hoa bồ công anh, phi tử, mao lương, thông ba lá, sồi... và mầu vàng vừa nặng vừa như kéo, vừa trong đặc vừa bí ẩn của sáp ong. Mầu vàng là mầu của ánh sáng mà ta có thể bắt gặp ở những nhân cách cao quý.

Ánh sáng từ thảm phấn hoa của Wolfgang Laib lan tỏa dịu dàng trên tấm nền trắng như sự hài hòa của một nụ cười nhân hậu. Và ánh sáng của sáp ong khó nhìn thấy hơn, nó kín đáo, khép kín bên trong khối sáp như một ánh sáng im lặng, cô đặc, trong, mạnh, ấy là sự bền bỉ của năng lượng. Còn mùi vị của sáp ong, người ta đã bình rất hay khi nói đó là "một mùi vị vừa khổ hạnh vừa quyến rũ", về ý tứ này, mùi sáp ong có sự gần gũi với mùi gỗ trầm.

Wolfgang Laib xây những chiếc cầu thang, những căn phòng bằng sáp ong ở những vị trí triển lãm kỳ thú như dự án một căn phòng ăn sâu 30m vào lòng núi Pyreness-Orientales ở miền Nam Italy mà từ ngôi làng gần nhất, người nông dân leo bộ nửa tiếng để xem tác phẩm. Hay một lối đi trong tòa nhà công nghiệp tại Halifax, Wolfgang Laib tạc ra những con thuyền châu Âu cổ xưa. Ông từng bày giàn thuyền sáp ong tại khu đóng thuyền cổ ở Venice và cũng mang tác phẩm dạng này sang Hà Nội.

Chỉ riêng dự án ở khu công nghiệp, lượng sáp ong được sử dụng lên đến đơn vị tấn. Trước hết những tác phẩm này là công trình khổng lồ của rất nhiều tập thể chú ong thợ. Đời sống sáu tuần của chú, từ lúc đi tìm phấn hoa, mật, rồi tiết sáp tí teo, chút một chút một ra từ bụng, sau đó nhai lại cho dính và dẻo rồi dùng xây những cái tổ đều đặn, đều đặn xinh xẻo. Sáu tuần sống để làm ra thứ chất liệu thuộc về mãi mãi.

Chính những kinh nghiệm về nhân sinh quan, những hiểu biết về các tôn giáo: đạo Hồi, đạo Phật, đạo Thiên chúa đã dạy Wolfgang Laib nắm bắt được giá trị của các sự vật, điều này vô cùng quan trọng và phải có tấm lòng mới học được. Những chất liệu mà ông chọn dùng nằm trong số những giá trị không có sự kết thúc mà nếu càng đọc nhiều, đi nhiều, tiếp xúc nhiều càng giúp Wolfgang Laib thấm hiểu giá trị của chúng, càng có cái nhìn tổng thể, mở ra những căn phòng thông nhau, đi qua các biên giới và nhìn thấy những điều không thể phân tích và không nên phân tích.

Đi lại giữa phương Tây và phương Đông, các tác phẩm của Wolfgang Laib chỉ ra rằng không có nền văn minh nào cao hơn nền văn minh nào. Ông đã tìm thấy những điều tuyệt vời ở Việt Nam, đặc biệt nếu ông có cơ hội ghé thăm những người nông dân ngư dân Việt Nam. Khi nhà phê bình nghệ thuật Claire Farrow hỏi Wolfgang Laib, liệu một người không biết gì tới Phật giáo hay các triết học phương Đông khác, thậm chí không biết gì tới lịch sử nghệ thuật có thể hiểu được những tác phẩm của ông không. "Được chứ, nhưng điều đó phụ thuộc vào bản thân người đó. Tôi cho rằng trong cuộc đời của anh ta phải có cái gì đó gắn với những điều này. Người ta có thể đọc rất nhiều sách mà chẳng hiểu gì cả. Tôi nghĩ quan trọng hơn là quan niệm của anh ta về cuộc đời".

Triển lãm sắp kết thúc, và khi được hỏi về chỗ ánh sáng, thảm phấn hoa thông ba lá ấy, có thể trở thành những cái cây mầu xanh không? Wolfgang Laib trả lời có và đưa tay ang áng tầm cao của rừng.