Mở đầu buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19, ngày 24/11, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các dữ liệu chỉ ra trước khi biến thể Delta xuất hiện, các loại vaccine giúp giảm khoảng 60% nguy cơ lây nhiễm, nhưng tỷ lệ này giảm còn 40% khi Delta xuất hiện.
Tại nhiều quốc gia và cộng đồng, WHO bày tỏ quan ngại về “cảm giác an toàn sai lầm” rằng các loại vaccine đã chấm dứt đại dịch Covid-19 cũng như việc những người đã tiêm chủng không cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác nữa.
“Vaccine có thể cứu người nhưng không thể hoàn toàn ngăn chặn được sự lây nhiễm”, người đứng đầu WHO nhấn mạnh.
Theo các dữ liệu, trước khi biến thể Delta xuất hiện, các loại vaccine giúp giảm 60% nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm còn khoảng 40% khi biến thể nguy hiểm này hoành hành.
“Nếu bạn đã tiêm chủng, nguy cơ mắc Covid-19 thể nặng và tử vong sẽ thấp hơn nhiều, nhưng bạn vẫn có nguy cơ lây nhiễm”, ông Tedros nói.
Do đó, ông khuyến cáo những người đã tiêm chủng tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh và truyền bệnh dẫn đến tử vong cho người khác. Điều đó có nghĩa là đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách an toàn, tránh tụ tập đông người và nên gặp gỡ ở ngoài trời hoặc không gian trong nhà thông thoáng khí.
WHO tiếp tục kêu gọi tất cả các chính phủ thực hiện cách tiếp cận toàn diện và phù hợp với tình hình y tế cộng đồng cũng như các biện pháp xã hội để ngăn chặn đà lây nhiễm, giảm áp lực đối với các hệ thống y tế và cứu người.
Theo ông Tedros, tuần trước, một lần nữa hơn 60% số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu được ghi nhận tại châu Âu. Số ca mắc mới tăng theo chiều thẳng đứng tiếp tục gây áp lực lên các hệ thống y tế ở “lục địa già” và đẩy các nhân viên y tế vào tình trạng kiệt sức.
Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới, không một quốc gia và khu vực nào thoát khỏi nguy hiểm.
- Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Theo báo cáo dịch tễ hằng tuần của WHO, kết quả phân tích chuỗi gene của 845.000 mẫu bệnh phẩm được thu thập trong 60 ngày qua do sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID thực hiện cho thấy có đến 99,8% là do biến thể Delta gây ra.
Bà Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học hàng đầu về ứng phó Covid-19 của WHO, cho biết biến thể Delta đang phát triển, WHO đang cố gắng truy vết sự thay đổi và lây lan của biến thể này.
Theo bà Kerkhove, WHO đang lên kế hoạch xem xét các kịch bản trong tương lai về mức độ thay đổi khả năng lây nhiễm của Delta và nguy cơ biến thể này thoát khỏi hệ thống miễn dịch. WHO đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện nay chủ yếu giúp người dân giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong, hơn là nguy cơ mắc bệnh.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 25/11, trong 24 giờ qua thế giới ghi nhận 623.920 ca mắc mới và 7.710 ca tử vong. Trong đó, châu Âu chiếm tới 403.331 ca mắc mới và 4.284 ca tử vong.