Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm gần hơn 336.000 ca nhiễm mới, trong đó nhiều nhất là ở Mỹ (hơn 45.000 ca), Brazil (hơn 42.100 ca), Ấn Độ (hơn 24.400 ca), Italy (hơn 15.200 ca),... So với 1 tuần trước, số ca nhiễm mới được thống kê hằng ngày trên toàn thế giới đã tăng khoảng 43.000 ca mặc dù nhiều nước đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chương trình tiêm chủng tại một số nước đang gặp khó khăn do khan hiếm nguồn cung vaccine ngừa Covid-19, trong khi vaccine của AstraZeneca - loại vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng đầu tiên tại Anh, đang phải tạm ngừng sử dụng.
Bên cạnh đó, ngày 15-3, nhiều nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Slovenia, Cyprus đã quyết định tạm ngừng sử dụng loại vaccine này do lo ngại về phản ứng phụ.
Liên quan đến nguyên nhân một số nước ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca, Đan Mạch và Na Uy cho biết đã báo cáo các trường hợp có phản ứng phụ như xuất huyết, đông máu và giảm số lượng tiểu cầu sau khi tiêm loại vaccine này. Iceland và Bulgaria trước đó đã đình chỉ sử dụng trong khi Áo và Italy đã ngừng sử dụng các lô vaccine cụ thể.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước không nên tạm dừng chương trình tiêm chủng sau khi có thêm ba nước tạm ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca vì lo ngại phản ứng phụ là Indonesia, Ireland và Hà Lan.
WHO cho biết ban cố vấn của tổ chức này đang tiến hành xem xét các báo cáo liên quan tới các trường hợp có phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine AstraZeneca và sẽ công bố kết luận sớm nhất có thể. Tuy nhiên, WHO cho biết ít có khả năng thay đổi các khuyến nghị được đưa ra vào tháng trước về việc sử dụng rộng rãi vaccine AstraZeneca, kể cả ở những quốc gia ghi nhận việc các biến thể virus phát hiện ở Nam Phi có thể làm giảm hiệu quả của loại vaccine này.
Người phát ngôn của WHO, ông Christian Lindmeier cho biết: Cho đến hôm nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm loại vaccine này là nguyên nhân gây ra các sự cố. Việc tiếp tục thực hiện các chương trình tiêm chủng là cực kỳ quan trọng để chúng ta có thể cứu nhiều mạng sống trong cuộc chiến với đại dịch gây ra bởi virus SARS-CoV-2.
Liên quan tới việc sử dụng vaccine AstraZeneca, Thái Lan thông báo sẽ tiếp tục chương trình tiêm chủng sử dụng loại vaccine này từ ngày 16-3 sau một thời gian ngắn tạm ngừng. Theo người phát ngôn Văn phòng Chính phủ Thái Lan Natreeya Thaweewong, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và các thành viên nội các sẽ là những người đầu tiên được tiêm vào ngày 16-3.
Chương trình tiêm chủng của Thái Lan phụ thuộc nhiều vào loại vaccine AstraZeneca. Theo đó, Thái Lan dự kiến bắt đầu sản xuất vaccine AstraZeneca từ tháng 6 để phân phối trong khu vực, trong đó có 61 triệu liều được dành cho chương trình tiêm chủng trong nước.
Trước đó, ngày 10-3, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết, có tổng cộng 30 trường hợp được báo cáo xuất hiện triệu chứng đông máu trong tổng số gần 5 triệu người được tiêm chủng vaccine AstraZeneca trong khu vực kinh tế châu Âu, với khoảng 30 nước tại lục địa này.
Theo WHO, tính đến ngày 12-3, hơn 300 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 các loại đã được cung cấp trên toàn thế giới và chưa ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào sau khi tiêm vaccine.
Vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 đã được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng ngày 29-1 theo khuyến cáo của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).
Dự kiến, trong chiều 16-3, EMA sẽ công bố khuyến cáo mới về vaccine AstraZeneca.
Năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 30.138.586 ca mắc, 548.013 ca tử vong
2. Brazil: 11.525.477 ca mắc, 279.602 ca tử vong
3. Ấn Độ: 11.409.595 ca mắc, 158.892 ca tử vong
4. Nga: 4.400.045 ca mắc, 92.494 ca tử vong
5. Anh: 4.263.527 ca mắc, 125.580 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 36.390.761 ca mắc, 858.923 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 34.638.716 ca mắc, 792.860 ca tử vong
3. Châu Á: 26.266.253 ca mắc, 410.883 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 19.346.806 ca mắc, 499.992 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.075.038 ca mắc, 108.296 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 52.755 ca mắc, 1.104 ca tử vong