WHO cảnh báo tình trạng kháng kháng sinh trong đại dịch Covid-19

NDO -

NDĐT - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1-6 cảnh báo, thế giới đang "mất khả năng" sử dụng các loại thuốc kháng sinh cực kỳ quan trọng.

(Ảnh minh họa: WHO)
(Ảnh minh họa: WHO)

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 1-6, người đứng đầu WHO nói rằng đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng việc sử dụng kháng sinh. Điều này sẽ gây ra tỷ lệ kháng kháng sinh (AMR) cao hơn.

Gọi mối đe dọa của tình trạng kháng kháng sinh là "một trong những thách thức cấp bách nhất của thời đại chúng ta", Tổng giám đốc WHO Tedros kêu gọi thế giới tìm ra những mô hình mới để khuyến khích đổi mới bền vững trong vấn đề này nhằm "bảo vệ những thành quả y tế đã đạt được trong thế kỷ trước và bảo đảm một tương lai an toàn".

Song, người đứng đầu WHO nhận định: "Về phía nhà cung cấp, về cơ bản có rất ít động lực thị trường để phát triển các loại thuốc kháng sinh và kháng khuẩn mới, dẫn đến nhiều công cụ phát triển hứa hẹn bị thất bại trên thị trường trong vài năm qua".

WHO đã thực hiện chương trình báo cáo Hệ thống giám sát sử dụng và kháng kháng sinh toàn cầu (GLASS) vào năm 2018. Khi đó, mới chỉ có 729 khu vực ở 22 quốc gia tham gia vào hệ thống giám sát này. Hàng năm, số lượng các quốc gia tham gia hệ thống khảo sát đã tăng lên theo cấp số nhân. Chỉ trong ba năm tồn tại, GLASS hiện đã tổng hợp dữ liệu từ hơn 64.000 địa điểm giám sát với hơn 2 triệu bệnh nhân ở 66 quốc gia trên toàn thế giới.

Một thông cáo báo chí được WHO đưa ra ngày 1-6 cho thấy, tỷ lệ AMR cao trong số các thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc một số dạng của bệnh tiêu chảy, báo động nguy cơ thế giới đang dần hết cách hiệu quả để điều trị các loại bệnh này.

Thông cáo dẫn thí dụ, tại 33 quốc gia ghi nhận báo cáo, tỷ lệ kháng với ciprofloxacin, một loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, dao động từ 8.4% đến 92.9%.

WHO quan ngại rằng xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng do việc sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh trong đại dịch Covid-19. Bằng chứng cho thấy rằng chỉ có một phần nhỏ bệnh nhân Covid-19 cần tới kháng sinh để điều trị việc nhiễm khuẩn. WHO đã ban hành hướng dẫn không sử dụng liệu pháp kháng sinh hay hoặc điều trị dự phòng cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ hoặc bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 trừ khi có một chỉ định lâm sàng phải sử dụng kháng sinh để điều trị.

Trợ lý Tổng giám đốc WHO về vấn đề kháng kháng sinh, Tiến sĩ Balkhy nói: “Chúng tôi tin hướng dẫn rõ ràng về việc sử dụng kháng sinh trong đại dịch Covid-19 sẽ giúp các quốc gia vượt qua Covid-19 hiệu quả và ngăn chặn sự xuất hiện, lây lan AMR trong bối cảnh đại dịch”.

Bên cạnh đó, WHO cũng quan ngại tình trạng sụt giảm đầu tư (bao gồm cả khu vực tư nhân) và thiếu sáng tạo trong quá trình phát triển các phương pháp điều trị kháng sinh mới, là những nhân tố đang làm xói mòn những nỗ lực đánh bại các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc.

Tiến sĩ Balkhy kêu gọi: “chúng ta phải tăng cường hợp tác và đối tác toàn cầu, bao gồm giữa khu vực công và tư nhân để cung cấp các khuyến khích tài chính và phi tài chính nhằm phát triển các loại thuốc kháng sinh mới”.

Để hỗ trợ nỗ lực này, WHO đã công bố hai tài liệu về hồ sơ sản phẩm mục tiêu nhằm hướng dẫn phát triển các phương pháp điều trị mới cho các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc thông thường và mô hình kinh tế mô phỏng chi phí, rủi ro và khả năng hoàn vốn đầu tư phát triển thuốc kháng khuẩn.