Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản do WB quản lý, với khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 2,75 triệu USD.
Hoạt động chính của dự án sẽ là mở rộng mạng lưới Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau, thông qua việc xây dựng ít nhất 180 câu lạc bộ mới. Mô hình này được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2006 và đã được Chính phủ ghi nhận hiệu quả cũng như lồng ghép vào các chính sách quốc gia với phương pháp tiếp cận tổng thể đáp ứng nhiều nhu cầu của người cao tuổi.
Mỗi câu lạc bộ tự quản này, với khoảng 50-70 thành viên, tiến hành nhiều hoạt động đa dạng và phong phú giữa các thế hệ để giúp người tham gia tăng thu nhập, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời hiểu rõ quyền của mình. Thông qua mạng lưới tình nguyện viên, các CLB cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà, để đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu cá nhân và các nhu cầu khác.
Tính đến nay, đã có 3.500 câu lạc bộ được thành lập tại 61/63 tỉnh thành ở Việt Nam. Dự án mới này, dự kiến thực hiện đến tháng 9/2024, sẽ khắc phục hạn chế về độ bao phủ của các câu lạc bộ và tạo điều kiện kết nối tốt hơn giữa các câu lạc bộ và các đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Mạng lưới toàn cầu vì quyền của người cao tuổi HelpAge International tại Việt Nam cùng với các Hội Người cao tuổi cấp tỉnh sẽ phối hợp thực hiện dự án với mục tiêu hỗ trợ nhân rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng nhằm thúc đẩy quá trình già hóa tích cực, tăng cường sức khỏe và thu nhập của người cao tuổi. Ước tính sẽ có khoảng 27.000 người ở sáu tỉnh/thành phố hưởng lợi từ các can thiệp của dự án, 70% trong số đó là người cao tuổi.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới với nhóm dân số 65 tuổi trở lên dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2050, Việt Nam cần điều chỉnh hệ thống y tế và chăm sóc xã hội tương ứng để phù hợp với dân số già. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình mang tính sáng tạo và hiệu quả về chi phí để cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trong dài hạn”.
“Như tên gọi, mô hình này gắn kết các thế hệ lại với nhau, thu hẹp khoảng cách về sự khác biệt tuổi tác”. Ông Takaya Shimizu, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết. “Và quan trọng hơn, với đặc tính “tự lực”, mô hình này giúp cộng đồng tự giúp mình về mặt liên kết xã hội, bảo đảm thu nhập, và chăm sóc sức khỏe.”