WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 5,7% cho năm nay, trong khi mức tăng trưởng cho năm sau chỉ là 4,4%.
Chủ tịch WB David Malpass cho rằng, sự chênh lệch giữa các nền kinh tế phát triển và các nước đang phát triển đang ngày càng trầm trọng, đồng thời kéo lùi những tiến bộ đã đạt được trong việc giảm nghèo cùng cực xuống hàng năm, thậm chí là hàng thập kỷ.
“Chúng ta đang chứng kiến sự đảo ngược bi thảm trong quá trình phát triển trên nhiều khía cạnh. Các tiến bộ về giảm nghèo cùng cực đã bị kéo lùi xuống nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ trong một số trường hợp”, ông Malpass phát biểu tại một buổi họp báo.
Theo Chủ tịch WB, những con số thống kê đã cho thấy đà chậm lại trong quá trình phát triển trên toàn cầu, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn dai dẳng và đại dịch Covid-19 bùng phát.
Triển vọng đang không mấy sáng sủa đối với phần lớn các nước đang phát triển, với tỷ lệ tiêm chủng đang chậm lại, lạm phát gia tăng, hỗ trợ chính sách hạn chế, quá ít việc làm và tình trạng thiếu lương thực, nước sinh hoạt và điện.
Ông Malpass cũng cho biết, bất bình đẳng đang gia tăng đáng kể, khi thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng gần 5% vào năm 2021, nhưng mức tăng này chỉ là 0,5% ở các nước có thu nhập thấp.
Theo Chủ tịch WB, các nền kinh tế tiên tiến đã hồi phục về mức tăng trưởng trước đại dịch, nhưng tăng trưởng ở các nước đang phát triển được dự báo sẽ thấp hơn gần 4% so với mức trước đại dịch trong năm tới.
Ông Malpass cho biết, để giải quyết sự chênh lệch ngày càng lớn, WB đang huy động 100 tỷ USD quyên góp từ các nền kinh tế phát triển để bổ sung cho quỹ IDA.
Chủ tịch WB cũng kêu gọi xóa nợ cho các quốc gia thu nhập thấp, trong bối cảnh gánh nặng nợ công ở các quốc gia này đã tăng 12% lên mức kỷ lục 860 tỷ USD trong năm 2020 giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Báo cáo Thống kê nợ quốc tế 2022 của WB công bố cùng ngày cho thấy, các chỉ số nợ xấu đi ở tất cả các khu vực trên thế giới và tất cả các nước có thu nhập thấp và trung bình, với nợ nước ngoài ở nhóm các nước này cộng lại đã tăng 5,3% trong năm 2020 lên 8,7 nghìn tỷ USD.
WB đánh giá có sự gia tăng đáng kể tình trạng dễ tổn thương do nợ công mà các nước thu nhập thấp và trung bình phải đối mặt, đồng thời kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giúp các nước này đạt được mức nợ bền vững hơn.
Theo WB, trong năm 2020, dòng vốn ròng mà các tổ chức tín dụng đa phương dành cho những nước có thu nhập thấp và trung bình vay đã tăng lên 117 tỷ USD, mức cao nhất trong một thập kỷ qua.