Vượt khó để bước vào năm học mới

NDO -

Dạy và học trong điều kiện phải đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19, xác định trước mắt không có phương án dạy học nào tối ưu tuyệt đối, ngành giáo dục Phú Yên quyết tâm triển khai kịp chương trình, dạy và học mới với nhiều hình thức linh hoạt.

Cán bộ thầy cô giáo Trường Tiểu học và THCS Sơn Nguyên huyện Sơn Hòa, Phú Yên đang tu sửa, trồng thêm cây xanh sân trường, tạo thêm cảnh quan phục vụ năm học mới.
Cán bộ thầy cô giáo Trường Tiểu học và THCS Sơn Nguyên huyện Sơn Hòa, Phú Yên đang tu sửa, trồng thêm cây xanh sân trường, tạo thêm cảnh quan phục vụ năm học mới.

Bước vào đầu năm học, ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn, trong lúc toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19. Trong đó, ba địa phương trung tâm, có số lượng học sinh đông nhất là thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Phú Hòa và bốn xã phía Nam của huyện Tuy An vẫn đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 5/9.

Xác định khó khăn là vậy, nhưng ngành giáo dục Phú Yên xác định vẫn phải khai giảng đúng kế hoạch và triển khai ngay công việc của năm học mới với nhiều hình thức linh hoạt.

Nhiều khó khăn đầu năm học

Hai tháng qua, để phục vụ công tác chống dịch Covid-19, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh phải trưng dụng 107 trường học để làm điểm cách ly y tế tập trung, điểm lấy mẫu xét nghiệm, làm điểm họp chợ lưu động bán hàng…

Theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương phải sắp xếp, chuyển điểm cách ly sang các cơ sở khác để trả lại số trường học này trước ngày khai giảng. Tuy nhiên đến thời điểm này, mới chỉ có ba huyện Tây Hòa, Phú Hòa và Sông Hinh đã hoàn thành xong, một số địa phương số lượng người cách ly tập trung đông, vẫn chưa sắp xếp được, như tại huyện Tuy An hiện còn 8 trường học vẫn đang sử dụng  làm cơ sở cách ly tập trung.

Một khó khăn khác là vẫn còn nhiều học sinh chưa có, hoặc chưa đủ bộ sách giáo khoa để học tập, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nên việc đi lại từ các huyện về các nhà sách, nhất là về trung tâm thành phố Tuy Hòa gặp khó khăn.

Trong khi nhu cầu sách giáo ở các cấp học trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm học này khoảng 1,5 triệu cuốn và khoảng 1 triệu cuốn sách bài tập, nhưng đến thời điểm này, Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Phú Yên nhập về đạt 95%. Sách giáo khoa thiếu chủ yếu là một số đầu sách ở lớp 1, lớp 2. Khó khăn hiện nay là việc vận chuyển sách đến các vùng xa.

s1-1630739070579.jpg
Phụ huynh đang tranh thủ mua sách cho con em tại một nhà sách trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Tuy Hòa. 

Năm học 2021-2022, tỉnh Phú Yên dự kiến có 196.445 học sinh với 6.582 lớp học ở các cấp học từ bậc mầm non (dưới 5 tuổi) đến Trung học phổ thông. Khó khăn lớn nhất tại Phú Yên là các trường công lập trên toàn tỉnh hiện còn thiếu 1.274 giáo viên theo định mức và 52 giáo viên thư thục, nhưng thừa cục bộ 251 giáo viên. Do những năm qua, số học sinh tăng dần nhưng ngành giáo dục không được bổ sung biên chế. Trong khi phải thực hiện tinh giản biên chế hằng năm (theo kế hoạch để đảm bảo đạt tối thiểu 10% trong 5 năm từ 2016-2021). Mặt khác, do ảnh hưởng dịch Covid-19, chưa thể tổ chức tuyển dụng viên chức giáo viên kịp thời.

Chung tay linh hoạt, vượt khó

Có mặt tại trường Trường Tiểu học và Trung học sơ sở Sơn Nguyên, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa trong lúc các thầy cô giáo đang khẩn trương làm vệ sinh trường, lớp, cắt tỉa cây xanh, tu sửa nhỏ cơ sở vật chất… kịp đón học sinh vào năm học mới.

Thầy giáo Dương Lê Toàn, hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này trường có tổng số 626 học sinh/26 lớp, trong đó tiểu học 367 học sinh/18 lớp, trung học cơ sở 259 học sinh/08 lớp. Trường có 4 điểm trường, trong đó điểm trường chính Trung học cơ sở vừa được địa phương trựng dụng làm khu cách ly cho người dân từ miền nam đón về. Đến ngày 28/8, địa phương đã tổ chức phun khử khuẩn và trả lại cho nhà trường để chuẩn bị cho năm học mới.

Nhà trường đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện và xây dựng các kịch bản cho năm học 2021-2022 trong tình hình diễn biến dịch Covid 19 diễn ra phức tạp. Đối với học sinh khó khăn, học sinh bị ảnh hưởng dịch Covid 19 nhà trường đã lập danh sách để tìm nguồn hỗ trợ sách giáo khoa, vở và dụng cụ học tập.

Việc quan trọng nhất là giải quyết tình trạng thiếu thiếu 1.274 cả ngàn giáo viên công lập. Ông Trần Khắc Lễ, giám đốc Sở giáo dục đào tạo Phú Yên cho biết, trong khi chờ tỉnh tổ chức kỳ thi tuyển viên chức giáo dục, thì sở đề nghị UBND cấp huyện và các trường trực thuộc sở hợp đồng giáo viên cho các vị trí việc làm còn thiếu theo quy định trong 12 tháng, đồng thời động viên các giáo viên dạy tăng trong giai đoạn đầu năm học.

s4-1630739071863.jpg
Trường Tiểu học và THCS Sơn Nguyên huyện Sơn Hòa, Phú Yên vừa được ngành y tế bàn giao, khử khuẩn đê chuẩn bị năm học mới.  

Theo ông Trương Ngọc Tuấn, giám đốc Sở Nội vụ Phú Yên, trước mắt, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND các huyện rà soát trong số 251 giáo viên bậc Trung học cơ sở thừa cục bộ để xem người nào đủ trình độ, điều kiện theo tiêu chí quy định thì điều động dạy tiểu học.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng việc khai giảng năm học mới sẽ diễn ra đúng vào ngày 5/9 bằng hình thức phù hợp. UBND tỉnh  chỉ đạo cho các địa phương rà soát tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn, kể cả nhà nghỉ, khách sạn, nhà văn hóa và các nơi có thể trưng dụng được làm khu cách ly tập trung phòng, chống Covid-19 để có thể giải phóng các cơ sở cách ly tập trung, trả lại các trường học phục vụ học tập.

“Vấn đề sách giáo khoa chúng tôi đã cho tiêm chủng vắc xin đối với các shipper, lái xe, những người vận chuyển và các đại lý bán hàng thiết yếu trên địa bàn, trong đó có sách giáo khoa. Đảm bảo vận chuyển sách, vở về các địa phương phục vụ kịp cho năm học mới” - ông Trần Hữu Thế nói.

Để giải quyết khó khăn cho chương trình dạy học trực tuyến, Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã thống nhất về mặt chủ trương đầu tư gói thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Nhưng phải đảm bảo phát huy hiệu quả, thực tế với từng điều kiện hoàn cảnh, đặc biệt lưu ý đến học sinh vùng sâu vùng xa, người nghèo ở nông thôn.

Ông Trình Ngọc Mẫn, trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Phú Hòa cho biết, năm học 2021-2022 Phú Hòa có 15.885 học sinh các cấp học mầm non, tiểu  học, trung học cơ sở. Đến ngày khai giảng 5/9 địa phương vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vì  yêu cầu nhiệm vụ năm học mới, phòng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải xây dựng các phương án tổ chức dạy và học. Có ba phương án dạy học chính được áp dụng là trực tiếp, trực tuyến và dạy học linh hoạt. 

“Chúng tôi quyết tâm triển khai kịp chương trình, dạy và học có sự ứng biến phù hợp với từng khu vực, từng nhóm phù hợp. Giáo viên nhận lớp chủ động lấy số điện thoại, thông qua Zalo, Facebook, Viber… tạo nhóm lớp để thông báo học sinh, phổ biến cách dạy và học, bằng cách nào đó để truyền đạt, chuyển tải đến các em nội dung bài học. Hơn lúc nào hết, rất mong sự chia sẻ, chung sức của toàn xã hội, nhất là sử chia sẻ, hợp sức của phụ huynh học sinh để hỗ trợ cho con em mình”, ông Trình Ngọc Mẫn nói.