Vướng mắc trong phát triển văn hóa-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng

NDO - Sau hơn 16 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp trong vùng đã chú trọng đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chăm lo công tác giảm nghèo bền vững

Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam.

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, các cấp ủy, chính quyền vùng đồng bằng sông Hồng đã tập trung quan tâm chăm lo công tác văn hóa-xã hội, nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, giữ vững vị trí đầu tàu của cả nước.

Đáng chú ý là công tác giảm nghèo bền vững, được triển khai quyết liệt, đồng bộ theo tiếp cận đa chiều với nhiều mô hình mới, cách làm hay.

Đến năm 2021, tính theo chuẩn nghèo đa chiều, vùng còn 45.370 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,8%. Tỷ lệ hộ nghèo của vùng qua các giai đoạn đều thấp thứ hai so các vùng kinh tế cả nước và thấp hơn bình quân tỷ lệ hộ nghèo của cả nước. Đạt được kết quả như vậy là do các cấp, các ngành, người dân và cả hệ thống chính trị trong vùng đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững được ban hành khá đầy đủ, toàn diện, được triển khai kịp thời, đồng bộ. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước và việc huy động nguồn lực toàn xã hội vượt mục tiêu đề ra. Huy động sự hưởng ứng tích cực của cả xã hội, cộng đồng, người dân, đặc biệt là sự tham gia của chính hộ nghèo. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, liên kết vùng được ưu tiên đầu tư, giúp nhiều địa phương thoát khỏi tình trạng khó khăn để xây dựng vùng nông thôn mới.

Dù đã trở thành trung tâm lớn về phát triển công nghiệp, nông nghiệp hiện đại nhưng do chịu tác động của cơ chế thị trường và thiên tai, dịch bệnh nên số người thất nghiệp, chưa có việc làm khá đông. Nhằm bảo đảm đời sống người lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương trong vùng đã tổ chức triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn; tập trung tư vấn, giới thiệu việc làm để giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Trong thời gian đại dịch Covid-19 từ năm 2020 hết năm 2021, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp bảo đảm phần nào đời sống người thất nghiệp và gia đình. Kết quả, giai đoạn 2010-2021: số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.171.231 người; số người được hỗ trợ học nghề là 144.600 người; số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.387.500 người.

Cũng trong giai đoạn 2020-2022, do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã thực hiện các chính sách giảm, miễn, hoãn đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tai nạn lao động và hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Nhìn chung, tại các địa phương của vùng đồng bằng sông Hồng, công tác trợ giúp xã hội được tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động điều chỉnh nâng mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng cao hơn mức chuẩn chung của cả nước; phát triển các hình thức trợ giúp phong phú, đa dạng theo hướng xã hội hóa; huy động các hoạt động nhân đạo, từ thiện; thực hiện đồng bộ các chính sách bảo trợ xã hội. Qua đó, số lượng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời.

Công tác người cao tuổi đã được các địa phương quan tâm triển khai tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người cao tuổi, đặc biệt là chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi. Đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi được bảo đảm. Mức độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội năm sau cao hơn năm trước.

Hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ

Mặc dù công tác chăm lo đời sống nhân dân được các cấp ủy, chính quyền chú trọng nhưng trên toàn vùng vẫn còn chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các địa phương, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng. Hiệu quả giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho người nghèo còn thấp.

Chưa có chính sách đặc thù đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Quá trình đô thị hóa và di dân tự do trong vùng làm nảy sinh nhiều thách thức đối với việc bảo đảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đối với người di cư, đặc biệt là vấn đề nhà ở, trường học và chăm sóc y tế, dinh dưỡng đối với người nghèo đô thị, người lao động ở các khu công nghiệp. Công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân chưa được chú trọng tại một số địa phương, tình trạng một bộ phận người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước và cộng.

Bảo hiểm xã hội trong giai đoạn 2012-2020, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng đều đã có sự phát triển về số người tham gia bảo hiểm xã hội, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu của Trung ương về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trên toàn quốc.

Tuy nhiên, so chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW: “Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội” thì tỷ lệ tham gia bảo hiểm lao động của lực lượng lao động vùng đồng bằng sông Hồng còn rất thấp, chỉ chiếm 37,27% lực lượng lao động toàn vùng.

Đến năm 2020, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc toàn vùng mới chỉ đạt 4,32 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện là 201,43 nghìn người. Hiện nay đang có một khoảng cách khá lớn giữa các tỉnh, thành phố thuộc Vùng về tỷ trọng người tham gia Bảo hiểm xã hội trên lực lượng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tăng cao trong năm 2020 và 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. Đáng lưu ý, tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp hiện vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Công tác bảo trợ xã hội của vùng cũng còn những hạn chế nhất định như: hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, chăm sóc xã hội tại hầu hết các địa phương trong vùng còn yếu kém, nhất là tại cộng đồng. Hiện, có rất ít đối tượng bảo trợ xã hội được cung cấp các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng, dịch vụ công tác xã hội và hỗ trợ, lập kế hoạch hòa nhập cộng đồng, các dịch vụ trợ giúp xã hội khác tại cộng đồng. Đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp còn hạn chế.

Một hạn chế, vướng mắc của vùng đồng bằng sông Hồng đó là khó khăn trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế. Vùng đồng bằng sông Hồng có tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đứng đầu cả nước.

Toàn vùng có có 291/552 tổ chức nghiên cứu và phát triển (chiếm trên 50% tổng số tổ chức nghiên cứu và phát triển cả nước); có hơn 150 trường đại học, học viện; có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; có hơn 500 tổ chức khoa học và công nghệ công lập và ngoài công lập, 5/22 sàn giao dịch công nghệ thiết bị; có trên 300 doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có đóng góp tích cực tới phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng. Các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Doanh nghiệp từng bước được xác định là trung tâm của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học và công nghệ ngày càng được củng cố, tăng cường, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Tiềm lực khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố còn yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; nhân lực khoa học và công nghệ trình độ chưa cao; chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu về chuyển giao kỹ thuật tiến bộ; đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế. Thị trường khoa học và công nghệ trong vùng phát triển chậm.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Chính từ những kết quả và vướng mắc đặt ra trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng mà sau 16 năm triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết để tham mưu những chiến lược, giải pháp mới phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng phù hợp với điều kiện mới.

Những vấn đề vướng mắc trong phát triển về văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, môi trường... được tổ chức vào ngày 12/7 tới đây, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Trường Đại học Quốc gia sẽ giúp tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn và củng cố thêm luận cứ khoa học quan trọng vào công tác Tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị.