Vướng mắc trong công nhận liệt sĩ hy sinh thời bình

Những người lính biên phòng giữ vai trò quan trọng, là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh biên giới, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Vì vậy, những trường hợp hy sinh do ốm đau, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ tại địa bàn đặc biệt khó khăn, cần được khẩn trương xem xét, đề nghị Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công, bảo đảm quyền lợi cho người hy sinh và thân nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, Bộ đội biên phòng Quảng Ninh tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái. (Ảnh: Báo Biên phòng)
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, Bộ đội biên phòng Quảng Ninh tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái. (Ảnh: Báo Biên phòng)

Bài 2: Không để người có công chịu thiệt thòi

Cuối năm 2022, Báo Nhân Dân nhận được đơn của chị Nguyễn Thị Vui, là vợ Thượng úy Nguyễn Bá Triệu, nguyên cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Thủy, Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang.

Trong đơn, chị Vui cho biết:

Thượng úy Nguyễn Bá Triệu có gần 10 năm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới tại các đồn biên phòng thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn. Do khí hậu thời tiết khắc nghiệt, đặc thù công việc nặng nhọc, đối mặt nguy hiểm thường xuyên, anh mắc bệnh hiểm nghèo, hy sinh ngày 2/10/2020. Nhưng đã hơn hai năm trôi qua, anh Triệu vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.

Cùng thời điểm, tòa soạn nhận được đơn của chị Lê Thị Nhung, vợ của Trung úy Đặng Sơn Lâm, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 19, BĐBP tỉnh Đắk Nông cho biết: Trung úy Đặng Sơn Lâm tình nguyện nhập ngũ vào BĐBP từ tháng 4/2004, có gần 17 năm làm nhiệm vụ tại địa bàn đặc biệt khó khăn. Anh mắc bệnh hiểm nghèo và hy sinh ngày 12/10/2020.

Căn cứ quy định của pháp luật, các cấp của Bộ Quốc phòng đã xét, lập hồ sơ đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, trình Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với quân nhân Đặng Sơn Lâm, nhưng sau hơn hai năm, anh vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.

Vướng mắc trong công nhận liệt sĩ hy sinh thời bình ảnh 2

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Bộ đội Biên phòng Lào Cai) tuần tra tại khu vực biên giới. (Ảnh: Viết Chung)

Sau khi nhận được đơn thư của bạn đọc, Báo Nhân Dân đã có công văn gửi Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị giải quyết theo thẩm quyền và thông tin đến Báo Nhân Dân biết kết quả, nhưng đến nay tòa soạn vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan này.

Trao đổi về việc này, Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị BĐBP cho biết: Hai trường hợp quân nhân Nguyễn Bá Triệu và Đặng Sơn Lâm đều đã được các cấp trong BĐBP khẩn trương xem xét, đề nghị và được Bộ Quốc phòng xét, đề nghị công nhận liệt sĩ tại Công văn số 81/BQP-CT ngày 9/1/2021 kèm theo hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, đúng quy định.

Tuy nhiên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chậm giải quyết theo thời hạn quy định (Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định thời hạn giải quyết của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là trong 15 ngày).

Đại tá Nguyễn Thanh Sơn cũng cho biết: Căn cứ hồ sơ lưu trữ tại đơn vị, đối chiếu với quy định về việc xem xét công nhận liệt sĩ, từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2022, số quân nhân BĐBP hy sinh đã báo cáo Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị nhưng chưa được giải quyết chế độ liệt sĩ là 31 trường hợp (4 trường hợp chết do tai nạn, 27 trường hợp chết do ốm đau); trong đó, có 29 trường hợp bị tồn đọng ở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội do chậm giải quyết dẫn đến các gia đình quân nhân hy sinh đã gửi nhiều đơn thư đến các cấp ở địa phương và Trung ương.

Đến tháng 7/2022, chỉ có một trường hợp là Trung tá Trần Việt Dũng, nguyên cán bộ tăng cường xã (là Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vĩ), công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Làn, BĐBP tỉnh Hà Giang, hy sinh ngày 6/2/2019, BĐBP đã đề nghị công nhận liệt sĩ tại Công văn số 885/CCT-CS ngày 8/4/2019 kèm theo hồ sơ, mới được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công (Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 8/7/2022).

Đây là trường hợp được công nhận liệt sĩ duy nhất trong năm 2022. Theo đó, các gia đình quân nhân hy sinh đã được BĐBP đề nghị công nhận liệt sĩ trong hai năm 2018 và 2019 liên tục gửi nhiều đơn thư đến các cấp kiến nghị làm rõ; yêu cầu Bộ trả lời về việc chậm giải quyết theo thời hạn quy định, mặc dù tất cả hồ sơ đều đầy đủ, hợp lệ, đúng quy định…

Ngày 29/7/2022, Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Chiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã gửi Phiếu chất vấn Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội.

Nội dung chất vấn như sau: Từ tháng 5/2017 đến tháng 5/2022, Bộ Tư lệnh BĐBP còn 28 trong tổng số 51 hồ sơ báo cáo Bộ Quốc phòng duyệt và đã đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công (công nhận liệt sĩ) cho các quân nhân theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.

Tại điểm a khoản 4 Điều 5 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/3/2013 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định: Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, lập tờ trình và danh sách kèm theo trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

Tuy nhiên, đến nay chưa giải quyết, gia đình các quân nhân hy sinh đã nhiều lần có đơn, thư ý kiến với các cơ quan chức năng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chậm giải quyết 28 hồ sơ công nhận liệt sĩ cho quân nhân BĐBP hy sinh và phương hướng giải quyết vấn đề nêu trên.

Trong số 28 trường hợp đề nghị công nhận liệt sĩ chậm giải quyết, có 4 trường hợp hy sinh từ năm 2018, gồm: Thiếu tá Trần Minh Lợi, Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP tỉnh Quảng Bình; Đại úy Nguyễn Gia Phúc, Đồn Biên phòng Hương Nguyên, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế cùng hy sinh ngày 5/3/2018; Thiếu úy Bùi Ngọc Hiếu, Thuyền trưởng Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Bến Tre, hy sinh ngày 27/6/2018; Thượng úy Trần Đức Thế, Đội trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Cù Bai, BĐBP Quảng Trị, hy sinh ngày 16/9/2018.

Điển hình là trường hợp Thiếu úy Bùi Ngọc Hiếu hy sinh trong khi trực tiếp tham gia đấu tranh ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội và dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh.

Vướng mắc trong công nhận liệt sĩ hy sinh thời bình ảnh 3

Cán bộ Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tiến hành kiểm tra phương tiện vận chuyển dầu DO không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Tiến Vinh)

Tấm gương của quân nhân Bùi Ngọc Hiếu đã anh dũng hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc đã được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bến Tre cũng như cán bộ, chiến sĩ BĐBP ghi nhận, phát động học tập noi gương.

Bộ Tư lệnh BĐBP đã truy thăng quân hàm trước niên hạn quân nhân Bùi Ngọc Hiếu, từ Thiếu úy lên Trung úy. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã suy tôn, vinh danh và truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho quân nhân Bùi Ngọc Hiếu.

Nhưng gần 5 năm sau kể từ ngày hy sinh, Thiếu úy Bùi Ngọc Hiếu và các trường hợp hy sinh từ năm 2018 vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Sự chậm trễ này đã gây thiệt thòi về quyền lợi cho các anh và gia đình, là nỗi day dứt và không ít tâm tư cho những người đồng đội đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nơi vùng sâu, vùng xa trên các tuyến biên giới đất liền và vùng biển, đảo.

Đại tá Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Sau khi gia đình các quân nhân hy sinh nhiều lần có đơn, lãnh đạo và các cơ quan chức năng các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh nơi quân nhân hy sinh và nơi thân nhân cư trú cùng công luận vào cuộc lên tiếng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mới giải quyết và đến ngày 4/1/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 02/QĐ-TTg về việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 24 trong tổng số 30 quân nhân hy sinh đã được BĐBP đề nghị công nhận liệt sĩ từ tháng 6/2018 đến tháng 4/2022, trong đó có các quân nhân: Nguyễn Bá Triệu, Đặng Sơn Lâm, Trần Minh Lợi, Nguyễn Gia Phúc, Trần Đức Thế và Bùi Ngọc Hiếu.

Bộ Tư lệnh và Cục Chính trị BĐBP đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh và các cấp, các ngành ở địa phương nơi thân nhân liệt sĩ cư trú tổ chức thực hiện việc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định trước dịp Tết Nguyên đán 2023.

Còn lại sáu quân nhân hy sinh từ tháng 2/2019 đến tháng 10/2021, đã được Bộ Quốc phòng đề nghị công nhận liệt sĩ từ tháng 5/2020 đến tháng 11/2022, nhưng vẫn chưa được Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết, trả lời theo quy định. Đó là các quân nhân: Lò Thanh Chuyên, Đồn phó Đồn Biên phòng Nà Bủng, Bùi Viết Thanh, Đội phó Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (405), đều thuộc BĐBP tỉnh Điện Biên; Lê Phước An, Nguyễn Hữu Trường, cùng công tác tại Đồn Biên phòng Ba Nang, BĐBP Quảng Trị; Tống Văn Trung, nhân viên Đồn Biên phòng Pa Ủ, và Tẩn Lao Sủ, cán bộ D19, đều thuộc BĐBP tỉnh Lai Châu.

Gia đình các quân nhân nêu trên tiếp tục gửi đơn đến các cấp và các cơ quan ở Trung ương, địa phương về việc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chậm giải quyết hồ sơ công nhận liệt sĩ.

Tháng 6/2023, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tiếp tục có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về sáu trường hợp chậm được công nhận liệt sĩ nêu trên, nội dung như sau: Từ tháng 5/2020 đến tháng 11/2022, BĐBP có sáu trường hợp quân nhân hy sinh đủ điều kiện, thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.

Theo điểm a khoản 3 Điều 18 Nghị định số 131 của Chính phủ quy định trách nhiệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là “Trong thời gian 40 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ; có trách nhiệm thẩm định, lập tờ trình và danh sách kèm theo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

Vướng mắc trong công nhận liệt sĩ hy sinh thời bình ảnh 4

Cán bộ Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng kiểm tra tàu vận chuyển dầu trái phép. (Ảnh: Anh Phương)

Tuy nhiên, đến nay chưa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết, gia đình các quân nhân đã nhiều lần có đơn, thư ý kiến đối với các cơ quan chức năng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chậm giải quyết sáu trường hợp này và phương hướng giải quyết.

Đến ngày 19/7/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 869/QĐ-TTg về việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 4 trong số 6 quân nhân BĐBP hy sinh, gồm: Lê Phước An; Nguyễn Hữu Trường; Tống Văn Trung; Tẩn Lao Sủ.

Bộ Tư lệnh và Cục Chính trị BĐBP đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh nơi thân nhân liệt sĩ cư trú tổ chức thực hiện việc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định xong trước ngày 27/7/2023.

Hiện nay, còn hai quân nhân thuộc BĐBP Điện Biên hy sinh, đã được các cấp của Bộ Quốc phòng đề nghị công nhận liệt sĩ từ tháng 5/2020 và tháng 6/2021 nhưng Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn chưa giải quyết, trả lời theo quy định. Đó là các quân nhân: Lò Thanh Chuyên, Đồn phó Đồn Biên phòng Nà Bủng, và Bùi Viết Thanh, Đội phó Đồn Biên phòng Leng Su Sìn.

Cùng ở Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, trước đó có Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, hy sinh ngày 7/12/2015 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 do ốm đau trong khi làm nhiệm vụ, đã được cấp Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 2372/QĐ-TTg ngày 8/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ (được công nhận liệt sĩ sau một năm kể từ ngày hy sinh). Còn quân nhân Bùi Viết Thanh hy sinh đã hơn hai năm vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.

“Những trường hợp hy sinh đã được các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng xác minh rõ ràng, đủ tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ, thủ tục hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết theo đúng thời hạn quy định, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và chế độ, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc ưu đãi đối với người có công với cách mạng”, Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị BĐBP nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến của cử tri và đại biểu quốc hội cũng đề nghị việc ưu đãi người có công nói chung và việc xem xét, công nhận liệt sĩ nói riêng cần đổi mới, sát với thực tiễn ở cơ sở và vì nhân dân, tích cực cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính khách quan, toàn diện, cụ thể, hợp tình, hợp lý, kịp thời động viên, tôn vinh, tri ân những người sẵn sàng nhận nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, tiếp tục khơi dậy sâu rộng tinh thần đoàn kết, yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân trong toàn quân và toàn xã hội.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 9/9/2023.