Bài 1: Hy sinh đã gần bốn năm vẫn chưa được công nhận liệt sĩ
Trung tá Lò Thanh Chuyên, sinh năm 1972, nguyên Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nà Bủng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên, tham gia BĐBP từ tháng 9/1992, khi anh 20 tuổi. Hơn 27 năm làm lính biên phòng, trong đó gần 22 năm anh gắn bó với đồng bào ở các xã vùng cao, vùng sâu của miền biên viễn Tây Bắc, đó là các xã: Nà Hỳ, Si Pa Phìn, Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Công việc của lính biên phòng thường xuyên phải đối mặt với các loại tội phạm nguy hiểm, các tệ nạn, dịch bệnh...
Ngày 1/10/2019, trong quá trình từ Đồn Nà Bủng về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên làm nhiệm vụ, Trung tá Lò Thanh Chuyên có biểu hiện trở nặng của bệnh huyết áp cao, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cấp cứu, nhưng đã không qua khỏi, mất ngày 2/10/2019.
Ngay sau khi Trung tá Chuyên tử vong, cơ quan chức năng và các cấp có thẩm quyền trong quân đội đã khẩn trương xem xét, xác lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, đến nay Trung tá Lò Thanh Chuyên vẫn chưa được công nhận liệt sĩ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công.
Chị Lò Thị Tuyết, vợ Trung tá Chuyên, chia sẻ: “Suốt hơn 27 năm tham gia bảo vệ Tổ quốc là ngần ấy năm chồng tôi phải xa gia đình, để lại phía sau cha mẹ già, vợ yếu, con thơ, phải vật lộn với bao khó khăn, thiếu thốn vật chất, tinh thần, nhưng anh vẫn nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Chồng tôi hy sinh đã gần bốn năm, nhưng vẫn chưa được công nhận liệt sĩ là thiệt thòi quá lớn cho anh và gia đình”.
Trong buổi làm việc với phóng viên, Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị BĐBP, cho biết: Trường hợp quân nhân Lò Thanh Chuyên, hy sinh ngày 2/10/2019, đã được các cấp trong BĐBP khẩn trương xem xét, đề nghị và được Bộ Quốc phòng xét, đề nghị công nhận liệt sĩ tại Công văn số 1548/BQP-CT ngày 4/5/2020 kèm theo hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Tuy nhiên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) đã chậm giải quyết theo thời hạn quy định.
Do đó, chị Tuyết đã nhiều lần có đơn gửi các tổ chức, cá nhân lãnh đạo ở Trung ương. Đến ngày 3/8/2022, Cục Người có công, Bộ LĐ-TB và XH mới có Công văn số 866/NCC-CS1 gửi Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (TCCT), với nội dung: Căn cứ quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2007/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BNV của Liên Bộ LĐ-TB và XH-Quốc phòng-Nội vụ (Thông tư 07/2007), ban hành ngày 4/5/2007, cho rằng không có cơ sở đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Lò Thanh Chuyên. Trong khi, Thông tư 07/2007 là văn bản đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/6/2013 trở về sau.
Tại Công văn số 866, Cục Người có công trả lời như sau: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2007, xã Nà Bủng không có trong danh sách địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, xã Nà Bủng không thuộc địa bàn áp dụng xác nhận liệt sĩ. Mặt khác, quân nhân Lò Thanh Chuyên chết do bệnh tại địa bàn thành phố, không phải địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn cho nên không bảo đảm điều kiện theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ cho nên không có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công.
Về nội dung này, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên cho rằng: Đối chiếu các văn bản quy định của pháp luật liên quan việc công nhận liệt sĩ, gồm: Nghị định 31/2013; các quyết định: 164/2006, 447/2013, 582/2017, 900/2017 của Thủ tướng Chính phủ; các thông tư liên tịch số: 2076/1998, 35/2004, 07/2007; căn cứ hồ sơ lưu trữ tại đơn vị và các văn bản pháp lý có liên quan, BĐBP tỉnh Điện Biên thấy rằng kết luận của Cục Người có công như trên là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ: Nà Bủng là xã biên giới thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng chí Lò Thanh Chuyên có 14 năm 9 tháng làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn đặc biệt khó khăn, cũng là thời gian đồng chí mắc bệnh dẫn đến hy sinh do ốm đau.
Vì vậy, BĐBP tỉnh Điện Biên đã kiến nghị, bổ sung thêm nhiều tài liệu liên quan vào hồ sơ, kèm theo Công văn số 3043/BC-BCH ngày 17/11/2022 tiếp tục đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Lò Thanh Chuyên. Ngày 25/11/2022, Cục Chính trị BĐBP có Công văn số 1491/CCT-CS kèm theo hồ sơ đề nghị Cục Chính sách (TCCT) xét, tiếp tục đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Lò Thanh Chuyên. Ngày 8/3/2023, Cục Chính sách có Công văn số 638/CS-TBLS kèm theo hồ sơ gửi Cục Người có công, Bộ LĐ-TB và XH tiếp tục đề nghị công nhận liệt sĩ cho quân nhân Lò Thanh Chuyên.
Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 5, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH thì thời hạn giải quyết của Bộ LĐ-TB và XH là trong 15 ngày. Hiện nay, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 18 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì thời hạn giải quyết của Bộ LĐ-TB và XH là: “Trong thời gian 40 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ; có trách nhiệm thẩm định, lập tờ trình và danh sách kèm theo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công”.
Nhưng kể từ khi Cục Chính sách có Công văn số 638/CS-TBLS ngày 8/3/2023 kèm theo hồ sơ tiếp tục đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Lò Thanh Chuyên, đến nay đã hơn 5 tháng, gia đình, các cơ quan chức năng BĐBP vẫn chưa nhận được văn bản của Cục Người có công, Bộ LĐ-TB và XH trả lời về kết quả giải quyết.
Ngày 20/7/2023, Cục Chính sách có Công văn số 2493/CS-TBLS trả lời Báo Nhân Dân về việc giải quyết đơn kiến nghị của bà Lò Thị Tuyết, trong đó có nội dung: Ngày 29/5/2023, Cục Người có công có Công văn số 745/NCC-CS1 gửi Cục Chính sách cho rằng: “Văn bản số 3043/BC-BCH ngày 17/11/2022 của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên báo cáo Cục Chính sách không phải là căn cứ để Cục Người có công báo cáo lãnh đạo Bộ LĐ-TB và XH xem xét lại trường hợp quân nhân Lò Thanh Chuyên”.
Hiện nay, hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Lò Thanh Chuyên còn có vướng mắc trong việc xác định văn bản quy định địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Cụ thể: Theo ý kiến của Cục Người có công, việc xác định địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn để xác nhận liệt sĩ đối với trường hợp ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh được quy định tại Thông tư 07/2007; còn đối với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên, việc xác định địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn để xác nhận liệt sĩ nêu trên, ngoài quy định tại Thông tư 07/2007, còn được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn, xã đặc biệt khó khăn. Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Cục Chính sách, TCCT tiếp tục phối hợp với Cục Người có công, Bộ LĐ-TB và XH để thống nhất giải quyết đối với trường hợp quân nhân Lò Thanh Chuyên.
Như vậy, vướng mắc là do Cục Người có công cho rằng Báo cáo số 3043 của BĐBP Điện Biên kiến nghị tiếp tục đề nghị công nhận liệt sĩ cho quân nhân Lò Thanh Chuyên “không phải là căn cứ để Cục Người có công báo cáo lãnh đạo Bộ LĐ-TB và XH xem xét lại trường hợp quân nhân Lò Thanh Chuyên”. Tuy nhiên, báo cáo này chỉ là một trong số các tài liệu có trong hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. Tất cả các tài liệu, chứng cứ đều có giá trị chứng minh quân nhân Lò Thanh Chuyên đủ điều kiện công nhận liệt sĩ. Phải chăng Cục Người có công chỉ xem xét Báo cáo số 3043, còn các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ thì không được xem xét?
Mặt khác, Cục Người có công chỉ căn cứ quy định tại Thông tư 07/2007 (là văn bản đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/6/2013 trở về sau) để xác định địa bàn đặc biệt khó khăn trong quá trình xem xét, giải quyết và trả lời về việc công nhận liệt sĩ đối với quân nhân Lò Thanh Chuyên mà bỏ qua các Quyết định số: 582/2017; 900/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư liên tịch số: 2076/1998; 35/2004 quy định địa bàn đặc biệt khó khăn, có hiệu lực tại thời điểm quân nhân Lò Thanh Chuyên mất (ngày 2/10/2019).
“Bộ LĐ-TB và XH đã thực hiện không đúng quy định về thời hạn giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, nội dung trả lời không thỏa đáng do căn cứ vào Thông tư liên tịch số 07/2007, là văn bản quy định đã hết hiệu lực để kết luận không có cơ sở công nhận liệt sĩ đối với Trung tá Lò Thanh Chuyên, gây thiệt thòi lớn về quyền lợi cho gia đình tôi”, chị Lò Thị Tuyết bức xúc nói.
(Còn nữa)