Vùng Sừng châu Phi bên bờ vực nạn đói

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Cơ quan liên chính phủ về phát triển khu vực Đông Phi (IGAD) cảnh báo, khoảng 74,9 triệu người ở khu vực Greater Horn (Sừng Lớn) của châu Phi đang trong tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Với các cuộc khủng hoảng nhân đạo được đánh giá là tồi tệ nhất thế giới hiện nay, khu vực Sừng châu Phi đứng bên bờ vực nạn đói và cần sự hỗ trợ khẩn cấp của cộng đồng quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Sudan được sử dụng nước sạch từ một dự án do UNICEF tài trợ. (Ảnh: UN NEWS)
Người dân Sudan được sử dụng nước sạch từ một dự án do UNICEF tài trợ. (Ảnh: UN NEWS)

Tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng ở miền đông châu Phi khi trong số 74,9 triệu người mất an ninh lương thực ở khu vực này thì có 46,8 triệu người đến từ 7 trong 8 quốc gia thành viên IGAD, đó là Djibouti, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Tanzania, Sudan và Uganda. Phần còn lại là Burundi, Cộng hòa Trung Phi và CHDC Congo. Sự gia tăng số người lâm vào cảnh mất an ninh lương thực trong khu vực từ mốc 58,1 triệu người ghi nhận trong tháng 2 năm nay là do lũ lụt. Mưa lớn từ cuối tháng 3 đến tháng 4 đã dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng, nhất là ở Kenya, Somalia, Burundi và Tanzania, gây thiệt hại về người và vật nuôi, khiến hàng trăm nghìn người phải di dời, nhiều diện tích đất nông nghiệp cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng bị tàn phá. Phần lớn những người chịu cảnh mất an ninh lương thực đều ở CHDC Congo với 20,4 triệu người, tiếp theo là Sudan với 12,8 triệu và Nam Sudan với 4,6 triệu người.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Sudan khi Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cảnh báo, cuộc xung đột hiện nay ở nước này đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới trong nhiều thập kỷ. Các biện pháp nhân đạo hiện nay chưa đáp ứng được tình hình, với nhu cầu cứu trợ ngày càng tăng.

Theo Liên hợp quốc, xung đột nổ ra vào tháng 4/2023 giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hơn 9 triệu người phải di dời, dẫn tới cuộc khủng hoảng di tản trong nước tồi tệ nhất thế giới.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cảnh báo, tình hình ở Sudan có thể lên mức nghiêm trọng chưa từng thấy, kể từ nạn đói làm khoảng 1,2 triệu người thiệt mạng tại Ethiopia vào đầu những năm 1980. Các cơ quan của Liên hợp quốc cũng nhiều lần cảnh báo về tình hình nhân đạo và nạn đói ở Sudan.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, một số khu vực bị xung đột tàn phá ở Sudan đang đối mặt nguy cơ xảy ra nạn đói hàng loạt. Đây cũng là những nơi không thể tiếp cận viện trợ y tế do xung đột.

Tình hình dinh dưỡng trên toàn khu vực Đông Phi đáng lo ngại, phần lớn là do xung đột, di dời, mất an ninh lương thực, bệnh truyền nhiễm, chất lượng nước và điều kiện vệ sinh kém. FAO và IGAD cho biết, mặc dù lượng mưa tăng đã giúp cải thiện hiệu suất nông nghiệp tại một số vùng, nhưng mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt.

Ngoài cuộc khủng hoảng lương thực, khu vực Sừng Lớn của châu Phi cũng đang phải chật vật với nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, bao gồm dịch tả, sốt rét, sởi, sốt xuất huyết, sốt vàng da và bại liệt, khi điều kiện môi trường ẩm ướt hơn bình thường ở hầu hết các khu vực làm tăng nguy cơ mắc bệnh do nước bẩn và mầm bệnh truyền nhiễm do lũ lụt.

Riêng tại Sudan, tình hình dinh dưỡng đang xấu đi nhanh chóng, với các trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính gia tăng đáng báo động. Theo người đứng đầu WHO, người dân Sudan đang tử vong vì không được tiếp cận các dịch vụ và thuốc men thiết yếu. Hơn 70% số bệnh viện ở các bang bị ảnh hưởng do xung đột ở Sudan và 45% số cơ sở y tế tại năm bang khác không hoạt động.

Trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng ở châu Phi, FAO cho biết đã ký một dự án trị giá 25 triệu USD để cải thiện an ninh lương thực và khả năng phục hồi ở Somalia. Dự án nhằm phục hồi cơ sở hạ tầng quan trọng và thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu cho nông dân sản xuất nhỏ ở thành phố Jowhar thuộc bang Hirshabelle của Somalia.

Đại diện FAO tại Somalia, Etienne Peterschmitt nhấn mạnh tầm quan trọng của khoản tài trợ mới trong việc góp phần tăng cường an ninh lương thực và khả năng phục hồi cho các cộng đồng dọc theo sông Shabelle. Chính phủ Australia mới đây đã cam kết tài trợ bổ sung 23 triệu AUD (15,2 triệu USD) cho viện trợ nhân đạo ở khu vực Sừng châu Phi, nhằm giúp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và nước sạch. Mỹ cũng công bố khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 315 triệu USD cho người dân Sudan vốn đang phải đối mặt nạn đói, đồng thời hối thúc các bên tham chiến tạo điều kiện cho người dân tiếp cận viện trợ nhân đạo.