Xã Tủa Sín Chải huyện Sìn Hồ là một trong những xã đặc biệt khó khăn, hầu hết là người Mông sinh sống. Xã có 11 bản thì có đến 9 bản chưa có điện, hai bản sóng điện thoại chỉ có thể “vớt” tại một điểm cố định. Về giao thông, xã còn hai bản không có đường, bà con phải đi bộ xuyên rừng theo lối mon; có 5 bản có đường xe máy nhưng cũng chỉ đi được vào mùa khô. Xã có 7 trong số 11 bản bà con ảnh hưởng bởi niềm tin tôn giáo, tỷ lệ hộ nghèo cao, phần lớn phụ nữ trung niên và lớn tuổi không biết chữ hoặc không sử dụng được tiếng phổ thông… Khó khăn là vậy song đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đã được Ủy ban Bầu cử của xã chuẩn bị chu đáo. Việc tuyên truyền phổ biến thông tin về ngày bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri, thông tin về đại biểu, cơ sở vật chất… đều đã săn sàng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Tủa Sín Chải Giáng A Páo, đến thời điểm hiện tại Ủy ban Bầu cử xã đã hoàn thành công tác chuẩn bị, hòm phiếu, thẻ cử tri… đã được phát đến các tổ bầu cử. Cử tri ở các bản cơ bản đã nắm được tinh thần, nội dung và thông tin về bầu cử. Đối với các bản không có điện, hệ thống loa phát thanh không dây không sử dụng được, xã đã sử dụng hệ thống loa kéo tay có kết nối bluetooth để thay thế.
Đối với những bản khó, phải đi bộ, căn cứ tình hình thời tiết, các thành viên tổ bầu cử có thể sẽ phải có mặt tại điểm bỏ phiếu trước ngày bầu cử một đến hai ngày.
Đối với những bản không có điện, phương án âm thanh vẫn là loa kéo tay, nguồn điện phục vụ cho ngày bầu cử xã cũng đã liên hệ với các hộ dân sử dụng củ phát điện nước mini hoặc những hộ có điện năng lượng mặt trời để chủ động cho công việc. Riêng hai bản chưa có sóng điện thoại, Ủy ban Bầu cử xã cũng đã chỉ đạo và cử riêng một đồng chí trong tổ bầu cử có trách nhiệm trực “vớt sóng” tại điểm cố định, liên lạc báo cáo tình hình thường xuyên về Ủy ban Bầu cử trước và trong ngày diễn ra bầu cử…
Tại bản Thà Giàng Pô, theo trưởng bản Sùng A Dếnh hiện công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đã hoàn thành, 100% cử tri đã được tuyên truyền phố biến nhiều lần các nội dung liên quan đến bầu cử. Bản có hơn 100 cử tri những không có ai đi làm ăn xa. Cái khó khăn nhất của bản đó là một bộ phận cử tri nữ trong bản không biết chữ và không sử dụng được tiếng phổ thông. Do đó việc tuyên truyền cho những cử tri này đều phải trực tiếp bằng những buổi nói chuyện hoặc gắn vào các buổi sinh hoạt cộng đồng và sử dụng ngôn ngữ địa phương.
Không quá khó khăn về điện, đường như Tủa Sín Chải, song xã Khun Há, huyện Tam Đường cũng có đến 97% đồng bào dân tộc Mông sinh sống và có niềm tin tôn giáo. Tại đây có khoảng 30% cử tri, phần lớn phụ nữ trung và lớn tuổi đều không biết chữ và không sử dụng được tiếng phổ thông. Chính vì vậy việc tuyên truyền cũng được Ủy ban bầu cử xã dịch thành tiếng Mông phát trên hệ thống loa phát thanh không dây đến các bản. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền trực tiếp vào những buổi sinh hoạt điểm, nhóm; sinh hoạt công đồng…
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Cứ A Sở cho biết: Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử cũng đã hoàn thành, tinh thần bà con cũng rất ủng hộ ngày bầu cử. Qua tiếp xúc trực tiếp với bà con chúng tôi thấy rằng, bà con rất quan tâm đến tiểu sử và thông tin về các đại biểu. Theo bà con, những đại biểu này chính là người đại diện cho tiếng nói của họ về chế độ chính sách hay những vướng mắc… do đó bà con tìm hiểu rất kỹ.
"Đối với ngày bầu cử, hiện ở xã có 80 cử tri đi làm ăn xa, chúng tôi đã liên lạc với từng người và gia đình họ, bà con đều cam kết ngày bầu cử sẽ có mặt đúng, đủ để thực hiện quyền công dân của mình. Cũng do tình hình dịch Covid-19, hiện xã đang có một F1 và 33 F2 đang cách ly. Tuy nhiên những trường hợp này sẽ hết cách ly trước bầu cử nên cơ bản bà con vẫn có thể đi bỏ phiếu. Mặc dù vậy, Ủy ban Bầu cử cúng đã có phương án rất cụ thể để bảo đảm an toàn cho ngày bầu cử trong tình hình dịch phức tạp. Hiện, trang thiết bị, vật tư y tế, nước sát trùng, khử khuẩn, đồ bảo hộ cho các thành viên… tại các tổ bầu cử, điểm bỏ phiếu được tập kết và trong tâm thế sẵn sàng. Các hòm phiếu phụ đã được chuẩn bị đề phòng, nếu có vấn đề, tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ đến từng nhà đề bà con thực hiện quyền bỏ phiếu.
Tương tự các xã trên, trong suốt thời gian qua, tại 21 trong số 21 xã biên giới của tỉnh Lai Châu, cùng với chính quyền các cấp, các đồn biên phòng đã tích cực phối hợp tham gia công tác chuẩn bị, tuyên truyền đến bà con vùng biên giới về bầu cử, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và vấn đề bảo đảm an ninh biên giới. Cùng với hệ thống truyền thanh không dây của các xã, “tiếng loa biên phòng” được cán bộ chiến sĩ các đồn dùng xe máy chở về từng bản tuyên truyền cho bà con.
Theo nhận định của ông Lý Phí Giá, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã biên giới Pa Ủ, huyện Mường Tè có 11 tổ bầu cử, với gần 2.000 cử tri, nhiều cử tri nữ không biết chữ, không sử dụng được tiếng phổ thông, nhiều bản xa trung tâm, đi lại rất khó, sóng điện thoại phập phù, điện lưới không có… Đồn biên phòng đã cho cán bộ hỗ trợ xã, chở loa không dây đến tận các bản khó để tuyên truyền. Thậm trí có nhiều trường hợp phải đến tận lán nương để tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu và vận động về bỏ phiếu cho đúng thời gian.
Theo số liệu từ Ủy ban Bầu cử tỉnh Lai Châu, toàn tỉnh có hơn 247 nghìn cử tri, với 115 Ủy ban Bầu cử các cấp, hai Ban bầu cử Quốc hội, 13 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; 628 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã, 867 tổ bầu cử... Tỉnh đã lựa chọn, lập danh sách chính thức tám người ứng cử đại biểu Quốc hội và 83 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; 428 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 3.745 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Lai Châu khẳng định: Công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh Lai Châu đã hoàn thành, qua kiểm tra của Ủy ban Bầu cử các cấp cho thấy việc chuẩn bị của các địa phương rất tốt, đúng tinh thần chỉ đạo và bảo đảm nguyên tắc, quy định. Mặc dù tỉnh có rất nhiều xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa với nhiều thành phần dân tộc.