Vùng nuôi trồng thủy sản quyết tâm hồi phục

Bão số 3 để lại thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với những người nuôi trồng thủy sản phía bắc. Nhưng với sự hỗ trợ, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng ý chí kiên cường của người dân, nhiều hộ gia đình vẫn quyết tâm theo nghề, bám biển, sẵn sàng khởi nghiệp lại từ đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Ngư dân tỉnh Quảng Ninh đan lại lưới, sửa bè để tái sản xuất. (Ảnh THANH VÂN)
Ngư dân tỉnh Quảng Ninh đan lại lưới, sửa bè để tái sản xuất. (Ảnh THANH VÂN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê từ các địa phương đến 7 giờ ngày 15/9, đã có 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Trong đó, Quảng Ninh bị thiệt hại lớn nhất với 2.637 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi.

Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Theo thống kê sơ bộ, tại tỉnh Quảng Ninh có ít nhất 21 phương tiện thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 17.000 m2 công trình nuôi trồng thủy sản bị tốc mái; các dây hàu nuôi bị đứt hết, vùng nuôi hàu cơ bản bị mất trắng.

Mưa bão đã làm 48 ha nuôi trồng thủy sản của thành phố Hải Phòng bị ảnh hưởng. Bão lớn đi qua Hải Phòng cũng gây mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến nuôi tôm.

Mưa lũ nhiều ngày khiến hàng trăm héc-ta nuôi thủy sản ở tỉnh Bắc Giang bị ngập, gây thiệt hại nặng nề. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 470 ha thủy sản bị ngập tràn bờ; trong đó, hơn 162 ha thiệt hại từ 30-70%, khoảng 308 ha thiệt hại hơn 70%. Các địa phương có diện tích nuôi thủy sản ngập nước lớn là các huyện: Lục Nam 267 ha; Tân Yên 75 ha; thị xã Việt Yên 77 ha…

Tại Nam Định, bão đã làm 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hải Điền (thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu) Nguyễn Văn Bình cho biết, trước khi bão vào, hợp tác xã có 12,5 ha nuôi trồng, gồm 4 tấn cá hồng Mỹ, 2 tấn tôm, 6 tấn ốc hương. Riêng cá thịt, giá thị trường hiện tại khoảng 100.000 đồng/kg. Bão vào kèm mưa lớn, khiến nước trong ao đầm bị tràn, thiết bị phục vụ sản xuất bị hư hỏng, thiệt hại rất lớn.

UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo tính toán sơ bộ, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại 3.400 tấn thủy sản.

Tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, mực nước sông Đuống đoạn qua địa phận xã dâng cao trong nhiều ngày, khiến 42,7 ha nuôi trồng thủy sản mặt nước bị ngập, 131 lồng cá bị trôi mất và hư hỏng nặng.

Mưa lớn, nước lũ dâng cao cũng ảnh hưởng hơn 446 ha thủy sản ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; 2.000 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn, vỡ ở Phú Thọ.

Đánh giá thiệt hại của nghề nuôi biển tỉnh Quảng Ninh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Thanh Nghị cho biết, nếu tính quy mô nuôi mỗi hộ đầu tư từ 2-3 tỷ đồng, cá biệt có hộ đầu tư cả chục tỷ đồng, thì người dân bị thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tháng 9 cũng là lúc cao điểm thu hoạch cá thịt và hàu, nhưng cơn bão đã cuốn đi hầu như tất cả thành quả lao động của người dân. Đối với nhiều người dân tại Vân Đồn, cơn bão số 3 là cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất về tài sản cho người dân từ trước đến nay.

Tại cảng cá Cái Rồng - một trong những nơi cung cấp thủy sản lớn nhất của cả miền bắc, bão cũng làm nhiều tàu thuyền đánh bắt, lồng nuôi thủy sản bị vỡ nát, cuốn trôi ra biển.

Theo thống kê của huyện Vân Đồn, bão đã gây thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó, nhuyễn thể thiệt hại hơn 1.300 tỷ đồng; cá biển hơn 500 tỷ đồng; hải sản khác gần 400 tỷ đồng; ngoài ra, còn thiệt hại 318 nhà bè các loại bị đắm, vỡ.

Về tình hình thiệt hại của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện có gần 12.000 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng nặng từ bão số 3.

Trong đó, có tổng số 11.058 khách hàng tại Quảng Ninh với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn và 890 khách hàng tại Hải Phòng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão; một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Tính riêng dư nợ ngành nông-lâm-thủy sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh thông tin, đến ngày 31/7/2024, dư nợ ngành nông-lâm-thủy sản là 5.541 tỷ đồng, chiếm 2,96% tổng dư nợ của tỉnh. Sau bão số 3, ngành, lĩnh vực trên có 6.270 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ 1.463 tỷ đồng.

Kịp thời hỗ trợ người dân

Ngay sau khi bão qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả sau bão số 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 6661/BNN-TS ngày 9/9, đề nghị các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm sớm khôi phục sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tổ chức thu gom xử lý rác thải, chất thải, thủy sản chết theo quy định; bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi bão, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản trên biển.

Theo đó, các địa phương tổ chức thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, tổng hợp nhu cầu, hỗ trợ thiệt hại kịp thời người nuôi trồng thủy sản, xây dựng kế hoạch và giải pháp khôi phục, phát triển nuôi trồng thủy sản sau bão; hướng dẫn kỹ thuật phục hồi, chăm sóc sức khỏe đàn thủy sản sau bão; hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản tu sửa, khôi phục hệ thống lồng, bè, lưu ý sử dụng vật liệu mới, thân thiện môi trường, có khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt trên biển.

Tại cuộc họp bàn về một số giải pháp trước mắt khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo Cục Thủy sản sớm tổ chức hội nghị phục hồi sản xuất, nhất là về nuôi biển; đồng thời huy động ngay các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hỗ trợ con giống, thức ăn, thiết bị... cho các doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do bão. Trên cơ sở tổng kết cơn bão, sẽ có những tổng kết về kỹ thuật để bảo đảm lồng bè nuôi trồng thủy sản được an toàn, bền vững trong bão.

"Chúng tôi chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chia sẻ cùng với các địa phương đang bị thiệt hại và chúng ta sẽ phục hồi sớm được sản lượng thuỷ sản" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, với những khoản nợ của doanh nghiệp khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nuôi trồng thủy sản, các ngân hàng thương mại cần có cơ chế chính sách hợp lý, trước hết hoãn, giãn nợ, giảm lãi và mạnh dạn cho vay mới để các doanh nghiệp, người dân có vốn mới quay vòng. Các khoản nợ cũ sẽ được xem xét giải quyết phù hợp.

Lãi suất cho vay sẽ giảm 1% đối với các khoản vay trung, dài hạn và giảm 0,5% đối với khoản vay ngắn hạn. Đây là thông tin mới nhất được Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng do bão số 3.

Để tìm ra những cách thức giảm thiệt hại do bão lũ trong tương lai với ngành nuôi trồng thủy sản, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết, tại Triển lãm Quốc tế chuyên ngành thủy sản Aquaculture Vietnam 2024 sắp tới, Hội Thủy sản Việt Nam sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề phân tích sâu hơn về thiệt hại, nguyên nhân, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.