Dự điểm cầu truyền hình tại Thanh Hóa có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, nhiều tỉnh bạn, đại diện các cựu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và đông đảo nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa.
Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, quân dân ta liên tiếp giành thắng lợi trong các chiến dịch, bảo vệ vững chắc căn cứ kháng chiến, mở rộng vùng tự do, tăng cường nhân, vật lực cho quân đội giành thế chủ động trên chiến trường.
Được Chính phủ Pháp giao nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng quân viễn chinh ở Đông Dương, tướng Nava vạch kế hoạch chiến lược, hy vọng trong vòng 18 tháng phải giành thắng lợi quyết định về mặt quân sự làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có “danh dự” cho Pháp.
Với phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, quân và dân ta mở các cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, thắt chặt liên minh chiến đấu Việt-Lào-Miên cùng chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược, làm phá sản bước đầu kế hoạch Nava của Pháp.
Cứu vãn tình thế, Nava tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Điện Biên Phủ trở thành điểm hẹn lịch sử, nơi diễn ra trận quyết chiến, chiến lược, quyết định số phận đội quân xâm lược, tạo cơ sở, nền tảng cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.
Tình đoàn kết quân dân tiếp tục ngời sáng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Dân công Thanh Hóa tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Đặc biệt các điểm cầu truyền hình đã chuyển tải hình ảnh, tư liệu về “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” cùng bản lĩnh anh bộ đội cụ Hồ “gan không núng, chí không mòn”. Khán giả cũng được nghe các nhân chứng lịch sử, dân công hỏa tuyến kể lại những trận chiến đấu sinh tử, công tác chăm sóc, điều trị, cứu chữa thương binh, đời sống văn hóa tinh thần cùng miền lạc quan cách mạng, về những phương thức, nẻo đường tiếp vận.
Trong đó hậu phương lớn Thanh Hóa có đóng góp quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có một Tây Nguyên bất khuất, miền nam-thành đồng Tổ quốc đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tạo tiền đề giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Quang cảnh điểm cầu truyền hình tại Thanh Hóa. |
Các điểm cầu truyền hình còn giới thiệu những tấm gương cùng những việc làm thiết thực của thế hệ hôm nay tiếp bước truyền thống ông cha, biến thách thức thành động lực vượt khó, góp sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc, năm châu và vị thế Việt Nam trên thế giới.