Vui chơi - hoạt động không thể thiếu trong hành trình phát triển của trẻ

Vui chơi, vốn được xem là “quyền” tự nhiên của trẻ, giờ đây trở thành “đặc quyền” xa xỉ trong bối cảnh áp lực học tập ngày càng gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00

Phát biểu hồi tháng 6/2024 trong Ngày Quốc tế Vui chơi đầu tiên tại Việt Nam, bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, nhấn mạnh về sự quan trọng của việc vui chơi đối với trẻ em: “Vui chơi là một trong những công cụ hữu hiệu nhất giúp trẻ phát triển.

Hoạt động này góp phần định hình tương lai của trẻ, tăng cường sức khỏe thể chất và trí tuệ, đồng thời giúp trẻ xây dựng kỹ năng xã hội và cảm xúc. Nó cũng là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển não bộ, thúc đẩy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề”.

UNICEF cho biết tại Việt Nam, có khoảng 5,5 triệu trẻ em phải chịu ít nhất hai thiếu thốn về giáo dục, dinh dưỡng hoặc không gian sống phù hợp. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ em gặp vấn đề về sức khỏe và tâm lý do thiếu hoạt động thể chất và vui chơi cũng đang gia tăng​.

Vui chơi - hoạt động không thể thiếu trong hành trình phát triển của trẻ ảnh 1
Những cơ hội được chơi cho trẻ em đang ngày càng hạn chế. Ảnh: Minh Chiến.

Học nhiều - chơi ít

Áp lực từ hệ thống giáo dục và kỳ vọng phụ huynh là nguyên nhân hàng đầu. Hồi cuối tháng 8, Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra dự thảo Thông tư quy định về việc dạy thêm, học thêm, nhằm quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh nhu cầu học thêm đang gia tăng. Trong dự thảo này, Bộ Giáo dục và đào tạo nhấn mạnh các cơ sở giáo dục có thể tổ chức học thêm ngoài giờ, nhưng phải tuân thủ các quy định về thời gian.

Đây là nỗ lực thay đổi lớn so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT mà ở đó, Bộ Giáo dục và đào tạo quy định không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Đặc biệt thông tư này nghiêm cấm việc dạy thêm trẻ em tiểu học, trừ trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Việc đưa ra dự thảo này cho thấy một vấn đề nhãn tiền: Việc học thêm dạy thêm quả thực có tồn tại, và đang dần có xu hướng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà trường. Trên thực tế, những lớp học thêm cho trẻ em cấp tiểu học đã xuất hiện tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh từ giữa những năm 2000.

Vui chơi - hoạt động không thể thiếu trong hành trình phát triển của trẻ ảnh 2
Sử dụng điện thoại sau những giờ học thêm không phải là chơi. (Ảnh: Envato)

Năm 2014, một cuộc khảo sát cho biết hơn 30% học sinh cấp tiểu học và Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải học thêm ngoài giờ. Con số có thể đã tăng gấp 3 lần ở hiện tại, tỷ lệ thuận với kỳ vọng vào trẻ của những bố mẹ thế hệ mới.

Học nhiều đồng nghĩa với chơi ít. Theo một khảo sát gần đây, trung bình một học sinh tiểu học ở thành phố lớn chỉ có khoảng 30 phút mỗi ngày để chơi tự do. Vì có quá ít thời gian, trẻ em tiểu học giờ chủ yếu làm bạn với điện thoại và smartphone.

Việc thiếu không gian vui chơi là một lý do khác. Tại Hà Nội, tỷ lệ diện tích đất dành cho công viên, không gian công cộng chỉ đạt 2% tổng diện tích đô thị, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế từ 9-12%. Tương tự, TP Hồ Chí Minh cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng các khu vui chơi công cộng dành cho trẻ em, khiến các em phải chơi trong nhà hoặc tiếp xúc với thiết bị điện tử thay vì tham gia hoạt động ngoài trời​.

Anh Hoàng Minh (Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) có một bé trai 7 tuổi cho biết: "Con tôi rất hiếu động và thích khám phá, nhưng các sân chơi công cộng gần nhà lại thiếu đa dạng và không được bảo dưỡng tốt. Tôi đã thử tìm các trung tâm vui chơi hoặc lớp học kỹ năng, nhưng giá cả quá cao. Tôi chỉ mong có những sân chơi mở, sạch sẽ và mang tính giáo dục nhiều hơn cho con trẻ".

Trẻ cần được chơi “đủ”

Việc thiếu không gian vui chơi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn giới hạn khả năng phát triển toàn diện của trẻ. Việc được vận động ngoài trời như chạy nhảy, đạp xe, leo trèo không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn phát triển các kỹ năng vận động cơ bản.

UNICEF cho biết những kỹ năng này là nền tảng cho sự thành công trong học tập và cuộc sống. Song song, trẻ cũng được phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội thông qua việc học cách chia sẻ, hợp tác và giải quyết xung đột.

Giai đoạn từ 7-12 tuổi đặc biệt quan trọng để xây dựng sự tự tin, khả năng quản lý cảm xúc và thấu hiểu người khác. Những kỹ năng này không thể học qua sách vở mà chỉ có thể hình thành thông qua tương tác thực tế. Lúc chơi cũng là lúc trẻ học hỏi và khám phá thế giới.

Vui chơi - hoạt động không thể thiếu trong hành trình phát triển của trẻ ảnh 3
Không gian chơi cho trẻ đang ngày một ít đi. (Ảnh: Minh Chiến)

Một điều quan trọng mà chính bố mẹ cũng thường bỏ qua, đó là vui chơi còn giúp trẻ giảm căng thẳng, tăng cường khả năng học tập. Việc tạo cơ hội cho trẻ chơi đùa cũng giúp giảm bớt căng thẳng từ học tập và các kỳ vọng xã hội. Khi trẻ được tham gia vào các hoạt động thư giãn và vui vẻ, não bộ của chúng sẽ tạo ra các hormone hạnh phúc, giúp cải thiện tâm trạng và tạo động lực học tập tốt hơn.

Khi trẻ em không được “chơi đủ”, hệ quả phổ biến sẽ kéo theo như thể chất yếu kém, giảm khả năng sáng tạo và kỹ năng xã hội hạn chế. Đồng thời khi trẻ không có môi trường nuôi dưỡng kỹ năng mềm, các em cũng không có cơ hội được tư duy sáng tạo, giảm sự linh hoạt khi giải quyết vấn đề, thiếu kỹ năng giao tiếp, dễ trở nên khép kín hoặc gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội.

Giáo trí - giải pháp hoàn hảo?

Việc học mà chơi, hay còn gọi là các hoạt động giáo trí, là một phần không thể thiếu trong sự phát triển toàn diện của trẻ em. Để giải quyết tình trạng này, cần có những thay đổi mang tính hệ thống và nhận thức xã hội.

Trước hết, việc nâng cao nhận thức của phụ huynh và nhà trường là điều kiện tiên quyết. Vui chơi không phải là hoạt động “phụ” mà là một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển của trẻ.

Thứ hai, không gian vui chơi cho trẻ cần được mở rộng. Tại Hà Nội, hiện có hơn 200 điểm vui chơi dành cho trẻ em, nhưng con số này không đáp ứng được nhu cầu do dân số đông và nhiều khu vực thiếu không gian công cộng. Tình trạng thiếu sân chơi cũng diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, đặc biệt ở các quận nội thành, gây khó khăn cho trẻ em trong việc có không gian sinh hoạt lành mạnh. Để cải thiện, chính quyền địa phương và các tổ chức cộng đồng cần đầu tư xây dựng thêm khu vui chơi, trong khi doanh nghiệp có thể hỗ trợ bằng cách tài trợ sự kiện hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng.

Cuối cùng, vai trò của phụ huynh trong việc đồng hành cùng trẻ là không thể thay thế. Việc chơi cùng con không chỉ giúp trẻ cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm mà còn tăng cường gắn kết gia đình.

Các hoạt động chung, như tham gia thể thao hoặc các trò chơi sáng tạo, không chỉ tạo ra những khoảnh khắc ý nghĩa mà còn giúp trẻ rèn luyện kỹ năng xã hội, học cách chia sẻ và giải quyết mâu thuẫn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể tìm hiểu các hoạt động có kết hợp giữa giáo dục, giải trí và nghệ thuật, như các buổi tham quan thuỷ cung, xem xiếc, hoặc tham dự diễn nhạc kịch tương tác.

Một thí dụ tiêu biểu là vở nhạc kịch tương tác pantomime “Beauty and the Beast” sắp được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là một buổi diễn đơn thuần, mà còn là một sân chơi văn hóa, nghệ thuật dành riêng cho trẻ em và gia đình. Đây là thể loại nhạc kịch kết hợp yếu tố hài hước và tương tác trực tiếp với khán giả.

Vui chơi - hoạt động không thể thiếu trong hành trình phát triển của trẻ ảnh 4
Pantomime “Beauty and the Beast” là một trong những nơi giúp con trẻ lẫn bố mẹ đều được chơi. (Ảnh: AMO Việt Nam)

Trẻ em và phụ huynh sẽ có được mọi thứ nếu theo dõi hình thức giải trí lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam này. Trẻ em có cơ hội được học tiếng Anh, được thoải mái giải phóng năng lượng cũng thể hiện bản thân khi pantomime đặc biệt chú trọng việc tương tác với chính các khán giả.

Phụ huynh có cơ hội chơi cùng con đồng thời kiểm soát được những nội dung con mình được tiếp xúc. Điều này rất khác so với việc phó mặc các nền tảng gợi ý nội dung cho con cái khi giải trí qua điện thoại thông minh.

Đạo diễn Paul Winterford, trong buổi họp báo giới thiệu show diễn tại TP Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh “Beauty and the Beast” không chỉ là một show diễn, mà còn là cánh cửa mở ra thế giới mới, nơi trẻ em có thể khám phá sự sáng tạo, thể hiện cảm xúc và tự tin bước ra ánh sáng".

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc cho trẻ tham gia các hoạt động giáo trí giúp giảm căng thẳng, kích thích sáng tạo, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để phát triển toàn diện. Đây là cơ hội để mỗi gia đình, nhà trường và cộng đồng cùng chung tay, không chỉ nhằm cân bằng giữa học và chơi, mà còn vì một thế hệ trẻ em khỏe mạnh và hạnh phúc.

Đã đến lúc cần phải có hành động cụ thể để trả lại tuổi thơ đúng nghĩa cho trẻ em Việt Nam. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt như dành thời gian chơi cùng con, ủng hộ các hoạt động cộng đồng và lên tiếng về quyền được chơi của trẻ. Trẻ em cần được chơi, đừng vì kiến thức mà quên đi con còn cần cần nhiều hơn thế. Chỉ khi được chơi, trẻ mới có thể lớn lên thật sự khỏe mạnh, hạnh phúc và trọn vẹn.