Ra đời vào khoảng thế kỷ 16 - 17 tại một làng nhỏ ven sông Ðuống, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tranh Ðông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất của nước ta, mang vẻ đẹp tinh túy và những giá trị văn hóa đại diện cho di sản dân tộc. Là dòng tranh sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với những bản khắc gỗ in trên giấy dó được quết mầu điệp, tranh Ðông Hồ sử dụng những chất liệu gần gũi, có sẵn trong tự nhiên, phản ánh trực tiếp đời sống tín ngưỡng và tinh thần của người dân đồng bằng Bắc Bộ theo nhiều chủ đề: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh bộ, tranh sinh hoạt... Sự độc đáo trong chất liệu, mầu sắc, hình tượng nghệ thuật khiến những sản phẩm tranh dân gian Ðông Hồ đến nay không chỉ là di sản quý của Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế yêu thích, ưa chuộng. Cuối năm 2012, dòng tranh này đã được Nhà nước vinh danh, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Mặc dù kỹ thuật làm tranh dân gian Ðông Hồ được bảo toàn, gìn giữ nhưng trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm lịch sử, dòng tranh này vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là thách thức về những người làm nghề. Theo nhiều tư liệu cũ, đến năm 1945 vẫn có tới 17 dòng họ theo đuổi nghề làm tranh truyền thống với vô số xưởng tranh trong làng. Sau đó, do nhu cầu phát triển kinh tế, nhiều hộ dân đã bỏ nghề chuyển sang làm vàng mã hoặc các nghề khác. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh Nguyễn Văn Ảnh, làng Ðông Hồ hiện nay chỉ còn hai gia đình thật sự giữ được nghề làm tranh. Ðó là gia đình các nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế và Nguyễn Hữu Sam (nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã mất cách đây vài năm). Ngày nay, đến với chợ tranh Ðông Hồ, không còn thấy được cảnh người người, nhà nhà tấp nập sản xuất, mua bán tranh như trước. Thời hưng thịnh của làng tranh đã chỉ còn vang bóng trong ký ức...
Tuy nhiên, những người đau đáu giữ nghề vẫn luôn nỗ lực tìm mọi cách để duy trì và lan tỏa sức sống cho tranh Ðông Hồ. Sự đi lên của đời sống kinh tế kéo theo nhu cầu cao về đời sống tinh thần và xu hướng tìm về những giá trị văn hóa truyền thống đã mở ra nhiều hy vọng cho họ hồi phục dòng tranh. Nhiều năm qua, gia đình cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế đã dồn kinh phí để thu mua hàng nghìn ván khắc quý từ các gia đình đã bỏ nghề và nỗ lực trao truyền lại kỹ thuật làm tranh cho con cháu, quyết không để đứt đoạn nghề cổ của cha ông. Ðến nay, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, con trai thứ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã trở thành chủ nhân của cơ sở sản xuất tranh nổi tiếng trong làng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Ðông Hồ do gia đình nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế thành lập đã trở thành nơi trưng bày 200 bức tranh Ðông Hồ các loại cùng hàng nghìn bản khắc, khuôn tranh quý, là nơi để thế hệ trẻ đến tìm hiểu, học nghề và cũng là địa chỉ quen thuộc của những người yêu tranh. Bên cạnh việc điều hành, quản lý trung tâm, nghệ nhân Nguyễn Ðăng Tâm, con trai nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế còn triển khai tua du lịch kết nối làng Ðông Hồ với chùa Phật Tích, làng rối nước Ðồng Ngư, làng gốm cổ Luy Lâu, tạo thành tua du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách tham quan kết hợp tìm hiểu, mua tranh. Bằng nhiều cách, những nghệ nhân ít ỏi còn lại của dòng tranh Ðông Hồ đang nỗ lực để tìm lại chỗ đứng cho làng tranh xưa.
Hành trình không mệt mỏi của các nghệ nhân luôn có sự song hành, giúp sức của chính quyền tỉnh Bắc Ninh. Năm 2010, tỉnh Bắc Ninh đã tôn vinh và phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân làm tranh Ðông Hồ, ban hành Quyết định phục hồi và củng cố Câu lạc bộ nghệ nhân tranh dân gian làng Ðông Hồ và đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện tối thiểu cho Câu lạc bộ hoạt động. Tháng 6-2014, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Ðề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Ðông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030" với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác... Việc trình UNESCO đưa nghề làm tranh Ðông Hồ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp tiếp tục mang đến cơ hội lớn để hồi sinh làng tranh Ðông Hồ. Cách đây không lâu, Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Ðông Hồ trong đời sống đương đại" đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tổ chức nhằm tìm kiếm những giải pháp giữ gìn, lan tỏa giá trị dòng tranh quý.
Theo các chuyên gia, cùng với việc vinh danh, cần có chiến lược bài bản, huy động tinh thần, trí tuệ của các cấp, ngành, chính quyền, nghệ nhân, doanh nghiệp, người dân... để phát huy giá trị của di sản. Bên cạnh các giải pháp quảng bá dưới nhiều hình thức như tổ chức tua du lịch, khôi phục chợ tranh, giới thiệu tranh tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, bảo đảm tìm đầu ra cho các sản phẩm...; quan trọng là cần thực hiện đồng bộ, sâu rộng trong cộng đồng việc truyền dạy cho các thế hệ sau qua truyền nghề, giáo dục, tuyên truyền, biểu diễn, tôn vinh nghệ nhân...