Vua Hùng trong đời sống tâm linh người Việt

Nhân dân ta, từ xưa không ai đặt ra vấn đề này. Không ai nghi ngờ gì về cái bọc trăm trứng, về thế hệ Hùng Vương kế tiếp nhau đến 18 đời vua. Ngọc phả toàn ghi những tôn hiệu bằng chữ Hán. Con số 18 là để chỉ số nhiều, tên các vua Hùng chỉ mới được đặt ra từ năm 1470, chắc là sự sáng tạo hoàn toàn, nhưng người dân cứ tin tưởng một cách chân thành rằng đó là sự thật. Người con trong gia đình hướng về tổ tiên, người dân trong thôn xóm hướng về Thành hoàng thì cả dân tộc phải hướng về vua Hùng. Ðời sống tâm linh của dân tộc xưa nay hướng về biểu tượng đó.

Có thể có ý nghĩ rằng, tín ngưỡng về vua Hùng chỉ bộc lộ niềm tin tưởng kính cẩn về cội nguồn dân tộc. Thật ra, đây còn là tinh thần yêu nước, là ý thức tự hào dân tộc sâu xa. Có một thầy giáo trước đây - đốc học Nhữ Bá Sĩ (1788 - 1867) - bảo rằng, người Việt Nam cần gì phải biết vua Nghiêu vua Thuấn (Việt nhân hà tất tri Nghiêu Thuấn). Vì ta có văn hóa của nước ta, có vua ta ngang tầm Hán Ðường,... như Nguyễn Trãi đã nói. Ở phần sâu lắng, vấn đề Hùng Vương cũng nằm trong tâm thức của nhân dân.

Từng đời vua Hùng đều có những sự kiện truyền thuyết hay dã sử, tô đậm nét văn hóa Văn Lang. Ðời Hùng Huy Vương xuất hiện anh hùng làng Gióng. Ðời Hùng Duệ Vương có nàng Tiên Dung lấy Chử Ðồng Tử, lập ra đạo tiên là cái đạo xưa nhất ở nước ta, trước cả Nho Phật. Cũng đời vua này, đã có chuyện Tản Viên dạy dân các nghề, khiến cho đất nước ngày thêm thịnh vượng. Lại phải nhắc lại lời Nguyễn Trãi: "Như nước Ðại Việt ta thuở trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Vậy thì trong tâm thức nhân dân. Chuyện vua Hùng không chỉ là cái bọc trăm trứng mà thôi, còn là chuyện về nền văn hóa Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc.

Có một vấn đề dồi dào ý vị trong cuộc sống tâm linh của người dân. Không những người ta xem các vua Hùng là tổ tiên khai sáng ra cả quốc gia dân tộc, mà các vị đó còn là người khai sáng ra cả những làng quê chôn nhau cắt rốn của mình nữa. Họ đã tôn thờ các vị ấy làm những Thành hoàng làng. Suốt từ Phú Thọ vào Hà Tĩnh, đâu đâu cũng có. Chỉ xin đưa ra đây một vài trường hợp. Tại những làng xã dọc theo các dòng sông như sông Ðuống, sông Cầu, hệ thống Thành hoàng làng ở đây thật là cảm động. Tại xã A Lữ, huyện Thuận Thành, người ta thờ cả Kinh Dương Vương (vẫn còn làng). Lạc Long Quân và Âu Cơ còn là Thành hoàng của từng thôn như thôn Ngọc Khám, Ðình Chợ (xã Gia Ðông) Bình Ngô, Yên Ngô, Nghi Khúc, Thượng Vũ (xã An Bình) Ngọc Xuyên, Ðoan Bái (xã Ðại Bái).

Những điều ghi trong sách Lĩnh Nam chính quái, chỉ cho biết 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi, mà không rõ là họ đi về phương nào. Quần chúng Việt Nam từ xưa, cụ thể hơn nhiều. Họ tin rằng những con người ấy đã về từng đơn vị xóm thôn. Và trở thành Thành hoàng của quê hương họ. Chẳng hạn như người con thứ hai. Ông anh cả đã là Hùng Vương thứ nhất đóng đô ở Phong Châu, thì ông thứ hai về lập làng Trí Quả (tục gọi là Kẻ Trả) trên bờ sông Ðáy. Bài vị ghi rõ đệ nhị nam Lạc Long Quân, còn gọi là đệ nhị Thủy Vương. Ông con trai thứ ba, đệ tam nam Lạc Long Quân về lập làng Cổ Giang (Gia Lâm), cũng được tôn là Hùng Triều nhất vị thủy thần, khai sáng thiên hạ, hộ quốc tí dân... Cứ như thế, là còn được thấy ở xã Phú Mỹ thờ người con thứ 37 của Lạc Long Quân. Thần phả nói, ông được cha giao khai khẩn vùng Quảng Hóa nên còn được tôn là Quảng Hóa đại vương... Còn nhiều nữa.

Ðấy là trường hợp người cha và các con trai. Còn những người con gái nữa chứ. Trong cái bọc trăm trứng kia có mấy trai, mấy gái? Sách vở không ghi, nhưng người dân không muốn có sự mơ hồ này nên mới cho ta biết là bà Âu Cơ đông con gái, có tài chế ra các thứ bánh. Ðây là cả một hệ thống nữ thần như các bà chúa Dâu (ở nhiều nơi) bà Chẵm Chỉ (làng Ðại Trạch). Có những bà như bà Thành hoàng xã Hoài Thượng ở ven sông Ðuống, bà Hồng Thị ở xã Vạn Linh. Bà này có hai đứa con, gọi Âu Cơ bằng bà ngoại, gọi Hùng Vương bằng cậu, cùng với mẹ, có công tát sông, đưa nước về cho ruộng đồng. Rõ ràng là cái ý nghĩa đại gia đình, ý nghĩa trăm trứng trong tâm thức người dân, thật là sâu sắc.

Có một thuật ngữ để gọi chung các vị Thành hoàng, con cháu trực tiếp của Lạc Long Quân Âu Cơ. Người ta gọi tất cả là Thành hoàng Bách Noãn. Tất nhiên thực khó xác định. Không biết rõ đây là những người có thực hay chỉ có trong sự tưởng tượng của quần chúng đời sau. Thí dụ các vua Hùng là Thành hoàng có Hùng Nghị Vương, Hùng Duệ Vương, Hùng Hậu Vương, Hùng Minh Vương, Hùng Thắng Vương... (thờ ở huyện Chương Mỹ nay thuộc Hà Nội). Còn có cả các hoàng tử như Hùng Lang con vua Hùng thứ 6 (thờ ở Mỹ Ðức) như Ðại Long hầu con vua Hùng Vương thứ 13 (thờ ở Ứng Hòa). Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên còn cho biết, ở tỉnh Bắc Ninh, các Thành hoàng thời Hùng Vương là đến 107 vị chia ra: Thuận Thành - 14, Văn Giang - 5, Tiên Du - 4, Từ Sơn - 12, Yên Phong - 11, Quế Dương - 13, Gia Lâm - 6, Võ Giàng - 9, Lương Tài - 7, Gia Bình - 26 (tài liệu của Nguyễn Văn Huyên viết bằng tiếng Pháp trên một bản đồ về Thành Hoàng, ở tỉnh Bắc Ninh).

Trong tín ngưỡng cổ truyền của người Việt có một tín ngưỡng khá độc đáo và hoàn toàn Việt Nam. Ðó là tín ngưỡng Tứ bất tử. Ta tin rằng Việt Nam có sức sống trường tồn, mãnh liệt. Dân tộc ấy không thể chết và không chết bao giờ. Họ có những thần linh đại diện cho sự trường sinh bất tử ấy. Ðó là bốn vị: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Ðồng Tử và Liễu Hạnh, thì ba vị là người của thời đại Hùng Vương. Các vị này đều có những anh chị em, tướng tá, quân gia đều thành những vị thần tham gia vào cuộc sống chiến đấu, xây dựng làm đẹp quê hương. Bởi thế vua Hùng cũng là bất tử. Các vị đã bất tử, thì đất nước và dân tộc mãi mãi trường tồn.

Ðền thờ vua Hùng và lễ giỗ Tổ mở ngay trên địa bàn từ xưa vua Hùng đã thiết lập kinh đô. Lễ hội ở đây thật là hoành tráng, có thể là kinh nghiệm hay cho các địa phương học tập để tổ chức ngày hội ở quê mình. Việc tế lễ được tiến hành ở đền Thượng với quy mô lớn, nghi thức đúng là ngày quốc lễ. Phần hội chủ yếu là các cuộc rước rất đúng chủ đề tôn vinh Hùng Vương. Có nhiều cuộc rước. Có rước cỗ chay, rước bánh chưng, bánh dày, rất độc đáo, rất riêng của đền Hùng: không phải chỉ để tưởng nhớ Lang Liêu mà để nhớ các vua Hùng, các Thánh Tản Viên, Thánh Gióng. Ðám rước voi cũng khá đặc biệt. Các cụ bảo rằng, trước đây có những đoàn voi thật được tổ chức đi diễu hành. Voi tiêu biểu cho sức mạnh hào hùng của dân tộc. Cuối cùng là rước kiệu bay. Các làng chung quanh núi Nghĩa Lĩnh đem kiệu, cờ quạt từ các ngả rước về đền Hạ. Ý nghĩa cuộc rước này là con cháu gần xa cùng về lễ Tổ.

Cùng với những cuộc rước này là các trò vui, cuộc chơi của dân địa phương quanh Ðền Hùng. Trên hồ Ða Vao, cạnh chân núi Nghĩa Lĩnh là cuộc thi bơi của những đội thuyền rồng. Quanh bờ hồ, bên sườn núi, dọc hai bên quốc lộ, tỉnh lộ là những rạp tuồng, chèo, những cây đu tiên, những cuộc tung còn. Những phường xoan của nhiều nơi về tổ chức hát xoan - một điệu dân ca cũng của vùng đất Tổ này. Xoan tức là xuân. Niềm vui xuân, vua Hùng mang lại một cảm giác dạt dào đầy ý nghĩa. Có những tiếng trống đồng ngân nga hùng tráng. Có những màn diễn xướng làng, nghề sôi động, có những cảnh biểu diễn việt dã dồn dập từ xóm nọ đến làng kia. Ðó là chưa nói đến những cổ tích, dã sử, những tục ngữ ca dao, rồi cả những câu đối thơ văn của các thế hệ cận đại, hiện đại. Tất cả đều sáng lên một truyền thống các vua Hùng.

Vậy là, trong đời sống tâm linh của người Việt, vua Hùng có một vị trí quan trọng đặc biệt. Biểu tượng vua Hùng là có thực. Cụ thể và thiêng liêng. Khác với những tín ngưỡng và tôn giáo Ðông Tây, vua Hùng ở cõi siêu trần, linh thiêng, mầu nhiệm nhưng không phải là một kiểu siêu nhân như thần Phật, Chúa trời. Tín ngưỡng về vua Hùng có đầy đủ những yếu tố của đạo lý. Thờ vua Hùng phải có các lễ thức, đi vào nền nếp. Song thực hiện các lễ thức đó, khác xa với những quy định mà một tín đồ của đạo này hay đạo kia phải thực hiện. Vua Hùng không phải là một giáo chủ mà là một đức Tổ. Vua Hùng là một vị Thánh, cũng như các dòng họ vẫn gọi tổ tiên mình là chư vị đức Thánh. Có Thánh tổ Lạc Long, rồi các Thánh Tản, Thánh Gióng, các Thánh mẫu. Không có học thuyết gì của tín ngưỡng này, nhưng có một tình cảm đã trở thành giáo lý sâu xa: một tấm lòng yêu nước, một sự hướng về cội nguồn, về nền văn hóa dân tộc. Những điều cơ bản này, lúc nào cũng tồn tại, cũng mở rộng trong đời sống tinh thần, phong phú của người Việt.

Còn phải thêm một nhận xét nữa. Ðến với vua Hùng, ta có một sự cảm thông siêu trần, có cầu mong giao cảm với đức Tổ, đức Thánh, mong sự phù trì che chở. Nhưng không có chuyện mê tín, không có những dạng như kiểu cầu xin tàn hương nước thải, không có chuyện cầu đồng thiết tướng trong lễ hội vua Hùng. Có niềm tin thành kính mà không đẩy chuyện tín ngưỡng thành trò mê tín lạc hậu. Dân tin vào sự sống khôn chết thiêng của các Ngài như của tổ tiên trong gia đình mình vậy. Các thao tác tâm linh ở đây vốn là như thế. Và đó cũng là đặc điểm của sự phụng thờ Ðức Tổ, của ngày lễ hội vua Hùng.

            VŨ NGỌC KHÁNH