Vũ Bình Lục và Hồn Thiền trong thơ Lý - Trần

NDO - Từ lâu, bạn yêu thơ đã biết đến một Vũ Bình Lục thi nhân với hàng chục tập thơ và một phong cách đa dạng: khi tinh khôi, trong trẻo (Tháng ba hẹn ước); khi ám ảnh, mộng mị (Ðám cưới một linh hồn)...

Gần đây, Vũ Bình Lục lại xuất hiện với tư cách nhà nghiên cứu phê bình. Chỉ trong vòng ba năm (2010 - 2013), sau khi về hưu, rời phố núi Ðác Lắc về Thủ đô, ngoài tập thơ Mơ gần mơ xa, ông giáo Lục đã trình làng một bộ sách đồ sộ, gồm sáu cuốn Giai phẩm với lời bình, gần 2.400 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm. Tất cả đều được đóng bìa cứng một cách hết sức trang trọng. Ðọc, mới thấy anh là người đầy nội lực, dám nghĩ, dám làm, dám thử sức ở một lĩnh vực quá khó, đòi hỏi một trình độ cao. Nếu quyển thứ nhất dày 239 trang thì quyển thứ sáu đã lên tới 703 trang. Nếu ba quyển đầu chỉ là tập hợp những bài nhỏ lẻ được viết một cách ngẫu hứng, thì ba quyển sau là những công trình nghiên cứu chuyên sâu, bề thế. Tập bốn dành cho Chu Thần Cao Bá Quát. Tập năm dồn bút lực viết về đại thi hào Nguyễn Trãi. Nhưng nặng ký nhất vẫn là Hồn Thiền trong thơ Lý - Trần, cuốn sách thứ sáu - một điểm mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà thơ Vũ Bình Lục, một người thầy giáo "vượt khung", đã tạo nên cho đời viết của mình một sự thay đổi lớn cả về lượng và chất.

Cuốn sách được tác giả viết chủ yếu trong năm 2012, chia làm hai phần. Phần đầu là tiểu luận Thơ Lý - Trần một kỳ quan rực rỡ. Tiểu luận không dài, chỉ vài chục trang nhưng đã thể hiện rõ nỗ lực của Vũ Bình Lục trong quá trình chiếm lĩnh đối tượng, đã thể hiện tình yêu, niềm tự hào của người viết trước vẻ đẹp tiềm ẩn, quý báu của nền văn học dân tộc. Với nguồn cảm hứng dạt dào, anh đã truyền được ngọn lửa đam mê của mình tới bạn đọc.

Tiếp đến là phần tinh tuyển, dịch thơ và bình giải. Cuốn sách đã lựa chọn 165 tác phẩm (35 bài thơ thời Lý, 130 bài thời Trần) của 63 tác giả để dịch thơ và bình. Trong đó có 26 tác giả thời Lý, 37 tác giả thời Trần. Người được chọn nhiều nhất là Nguyễn Ức (thời Trần) tới 15 bài.

Là nhà giáo suốt gần 40 năm giảng dạy cho học sinh chuyên văn, thói quen làm việc bài bản, mực thước của một nhà sư phạm lâu năm luôn hiện diện trong từng trang viết của Vũ Bình Lục, nên gặp bất kỳ điển tích, điển cố, hay những thuật ngữ Phật học, Thiền học nào trong thơ cổ, ông cũng đều giảng giải kỹ càng, cẩn trọng. Ðiều này một lần nữa chứng tỏ lao động nghệ thuật nghiêm túc và vốn kiến thức văn hóa phương Ðông rộng, chắc chắn của nhà nghiên cứu.

Hồn Thiền trong thơ Lý - Trần là một đóng góp đáng trân trọng của Vũ Bình Lục. Ông đã mở thêm một cánh cửa để lớp trẻ dễ dàng hiểu sâu hơn lịch sử và văn hóa dân tộc.