Con đường mơ ước đến Phia Cò

Để có thể vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo, người dân Phia Cò rất cần một con đường bê-tông từ trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) dẫn vào xóm.
0:00 / 0:00
0:00
Hằng ngày, người dân phải di chuyển trên con đường lổn nhổn đất, đá ở Phia Cò.
Hằng ngày, người dân phải di chuyển trên con đường lổn nhổn đất, đá ở Phia Cò.

Có đường mới có điện lưới quốc gia, có sóng điện thoại, có internet và có nước, những điều kiện tưởng như bình thường ấy vẫn đang là điều trong mơ đối với hơn 840 hộ đồng bào dân tộc H’Mông, Tày, Nùng, Sán Chỉ… nơi đây trong nhiều năm qua.

Chúng tôi rời thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc khi trời còn mờ sương. Từ thị trấn đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nam Cao khoảng 32 km. Trên quãng đường đó, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh sắc Cao Bằng, thỉnh thoảng có những ruộng bậc thang phủ sắc vàng, những bụi trúc thơ mộng, những ngôi nhà xưa bên suối, trước khi trải qua hành trình thật sự gian nan.

Gian nan đường đến trường

Thật ra, khung cảnh trên đường lên tới điểm trường Phia Cò 1 và Phia Cò 2 cũng rất đẹp nhưng đó chỉ là chặng cuối khi chúng tôi phải đi bộ từ trên đỉnh núi xuống phía dưới và có thời gian quan sát.

Còn trước đó, trên quãng đường gian nan, với đủ loại hình từ đường đá đến đường đất, đường sỏi rồi lại đường đất, những đỉnh dốc dựng đứng, những khúc cua tay áo, những đoạn đường nứt gãy, sạt lở do mưa kéo dài, mọi người không thể có lấy một khoảnh khắc thoải mái tâm lý để bớt lo lắng. Có thể hiểu giản dị rằng, đấy không phải là một con đường thật sự vì hiếm có đoạn nào bằng phẳng, mặt đường mấp mô, gập ghềnh và lổn nhổn đầy đá, sỏi cứ như thể một trận lũ ống dữ dội vừa quét qua.

Những người điều khiển xe máy trên quãng đường mòn ấy đều phải dồn sức vào hai tay, căng người ra để giữ thăng bằng cho chiếc xe, cố gắng tránh những vật cản phía trước và không để chiếc xe mất đà. Trong khi đấy, người ngồi sau cũng phải tập trung quan sát địa hình, thậm chí cả người chuyển động theo mỗi tình huống xử lý của người ngồi trước.

Hai bắp chân của chúng tôi vì thế cứng lại như bị chuột rút và có thời điểm, chúng tôi không dám duỗi thẳng hay co chân lên cho dễ chịu vì sợ có thể làm người lái xe chòng chành.

Đoàn công tác của chúng tôi có bảy chiếc xe máy, mỗi xe chở một người, cứ ì ạch nối đuôi nhau bò lên dốc, rồi lại xuống dốc. Trời khô, nắng đã thế, còn khi trời mưa dù nhỏ hay lớn chắc chắn là không thể lên tới được các điểm xóm nơi đây. Hai ngày trước đó, mặc dù đồng chí Lý Thị Huệ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng đã cử cán bộ đi tiền trạm nhưng rồi chúng tôi vẫn phải nhờ lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Nam Cao là hai Phó Chủ tịch Ma Thế Tuân và Nguyễn Văn Lậm, cũng như Trưởng Chỉ huy quân sự xã Ma Văn Đuyên dẫn đường.

Những người này đều gắn bó lâu năm với địa phương và rất quen thuộc địa bàn. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Văn Lậm, nằm ở phía tây của tỉnh, cách thành phố Cao Bằng khoảng 164 km về phía đông bắc, Bảo Lâm là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Cao Bằng; và Nam Cao lại là xã nghèo nhất của Bảo Lâm, với hơn 840 hộ (tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40%), gần 5.000 nhân khẩu, trong khi Phia Cò với 194 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu là xóm nghèo nhất trong 10 xóm của xã.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và đồng chí Nguyễn Văn Lậm liên tục bị ngắt quãng bởi sự khó khăn, nguy hiểm của con đường lên Phia Cò. Những lúc xe máy phải leo dốc hay xuống dốc gần như dựng đứng, cả hai chỉ có thể tập trung nhìn phía trước, không nói với nhau một lời nào. Nhiều lúc, tôi đã phải xuống đi bộ để anh Lậm có thể điều khiển xe dễ dàng hơn.

Và tôi không nhớ mình cứ lên xe, xuống xe bao nhiêu lần trong hơn 10 km đường, trước khi những người ngồi sau như chúng tôi phải đi bộ hoàn toàn từ đỉnh một ngọn núi xuống phía dưới điểm trường Phia Cò 2 nằm ở một ngọn núi khác. Lý do là con đường mòn nhỏ hẹp lúc này chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy di chuyển. Một bên vách núi, một bên vực sâu và sẽ là quá nguy hiểm nếu chúng tôi đi hai người.

Nhìn từ trên cao có thể thấy rõ điểm trường với lá cờ đỏ tung bay trong gió, những mái nhà truyền thống của người H’Mông nhấp nhô dưới bóng cây, những thửa ruộng bậc thang có vẻ cũng… không bội thu cho lắm. Chúng tôi cũng thấy rõ những ngọn núi phía bên kia tỉnh Hà Giang nhưng để đi hết con đường cheo leo uốn lượn theo triền núi xuống điểm trường đã phải mất chừng 30 phút.

Sau khoảng hai giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi đã tới được điểm trường Phia Cò 2, nơi tập trung rất đông người dân, trẻ nhỏ, cô giáo và học sinh đang chờ nhận lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu của đợt quyên góp, gửi tặng lần này. Lúc đó, những mệt nhọc và một nửa lo lắng của chúng tôi như được trút bỏ.

Ở Phia Cò cái gì cũng thiếu

Một nửa gánh nặng và lo lắng còn lại của tất cả mọi người, đấy là việc trên đường trở về trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nam Cao, nhỡ chẳng may một chiếc xe máy nào đó trong đoàn sẽ hết xăng hay thủng lốp giữa đường.

Điều không may này mà xảy ra trên đường đến sẽ ảnh hưởng hành trình và khiến người dân xóm Phia Cò phải chờ đợi nhiều giờ, trong khi nếu xảy ra trên đường trở ra, chúng tôi khó có thể vượt qua con đường khó khăn ấy để kịp trở về trụ sở Ủy ban nhân dân xã trước lúc trời tối.

Thế nhưng, khi có mặt tại điểm trường Phia Cò 2, thay vì điểm trường Phia Cò 1 như kế hoạch ban đầu, mọi lo lắng, tính toán đều biến mất. Thay vào đó là sự thương cảm với cuộc sống nghèo khó của đồng bào H’Mông nơi đây, sự cảm phục trước những quan tâm, nhiệt tình của chính quyền địa phương và sự ngưỡng mộ trước tình yêu với nghề, với học sinh của các thầy giáo, cô giáo điểm trường Phia Cò 2.

Nguyên nhân của mọi sự đói nghèo chỉ đơn giản là việc xóm Phia Cò nói riêng, xã Nam Cao nói chung có lẽ là do chưa có những con đường đi lại thuận tiện. Theo đồng chí Ma Văn Đuyên, có đường tất sẽ có điện, có ánh sáng, mang lại tri thức, hiểu biết để giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đây cũng là suy nghĩ, trăn trở bao lâu nay của các đồng chí lãnh đạo xã Nam Cao, của huyện Bảo Lâm và của tỉnh Cao Bằng. Bởi do chưa có con đường bê-tông nối Phia Cò với các xóm chung quanh, địa hình đồi núi lại chia cắt, độ dốc cao, người dân nơi đây đều sống trong tình trạng thiếu thốn đủ bề, chính xác là “4 không”.

Họ không được sử dụng điện lưới quốc gia, không có nước sinh hoạt (chỉ có nước mưa, nước từ khe núi chảy ra), không có sóng điện thoại và không có internet. Thay vào đó, gần 200 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, chỉ có thể trồng trọt, chăn nuôi và dệt vải nhưng năng suất, sản lượng thấp.

Ít nhất thì cộng đồng người H’Mông vẫn gắn bó thân thiết với nhau qua bao đời, có gia đình, có người thân, có bạn bè, nhưng so với các thầy giáo, cô giáo điểm trường Phia Cò 2, cuộc sống khó khăn nhưng không có người thân ở cạnh sẽ khiến họ cảm thấy cô đơn hơn sau những giờ lên lớp.

Điểm trường Phia Cò 2 chỉ có một lớp học được xây kiên cố, còn lại là các dãy nhà tạm, trong đó có nhà ở của các thầy giáo, cô giáo, sáu lớp, được làm từ ván ghép, quây tôn. Tại đây chỉ có sáu lớp, gồm một lớp mầm mon cho lứa tuổi 3, 4, 5, và năm lớp cho học sinh lớp 1, 2, 3, 4 và 5, với vỏn vẹn bảy thầy giáo, cô giáo dạy dỗ, trông nom 125 học sinh.

Trong điều kiện như thế, không rõ đã có bao nhiêu thầy giáo, cô giáo đến rồi đi vì cuộc sống “4 không” ở Phia Cò 2 nhưng gặp cô giáo Trương Thị Nga, chúng tôi thật sự cảm phục khi biết rằng, cô giáo người Tày sinh năm 1986 ấy đã gắn bó với mảnh đất này 15 năm qua.

Cô giáo Nga cũng có một gia đình nhỏ như bao người khác, một người chồng, một đứa con, nhưng tình yêu với nghề, sự yêu thương học sinh, và tình cảm với người dân Phia Cò đã giữ chân cô ở lại vùng cao xa xôi của Cao Bằng suốt những năm tháng qua.

Theo cô giáo Nga, vấn đề lớn nhất của xã Nam Cao là cần có một con đường bê-tông cho Phia Cò. Do không có đường đi lại thuận tiện vì địa hình chia cắt, độ dốc cao, cũng không có cả điện lưới quốc gia, chuyện học hành của trẻ em nơi đây càng thêm khó khăn. Đó là chưa kể trẻ con còn thiếu nhiều sách vở, đồ dùng học tập và giữa cô, trò luôn có sự bất đồng ngôn ngữ.

Cô giáo người huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) cho biết thêm, một trở ngại lớn nữa với các thầy giáo, cô giáo là việc vận động, thuyết phục những gia đình người H’Mông đưa con em đến trường, nhất là giai đoạn sau Tết Nguyên đán. Lý do là vào mùa làm nương, nhiều học sinh phải ở nhà giúp bố mẹ lấy củi, lấy cỏ, rồi trông em.

Vì thế, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi đồng chí Đuyên cho biết, tỷ lệ trẻ em đi học tại Nam Cao đạt tới 99%. Có lẽ, đây thật sự là động lực cho các thầy giáo, cô giáo; và là niềm tin rất lớn để hơn 840 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu của Phia Cò tiếp tục nỗ lực vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống hiện tại.

Thực tế thì bên cạnh các chương trình 134, 135 của Chính phủ, chính quyền xã Nam Cao đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế như tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Tuy vậy, để những ngôi nhà không chìm trong bóng tối mỗi khi đêm xuống, để những nụ cười trẻ thơ rạng rỡ hơn khi đến trường, để cuộc sống nơi đây đầy đủ, có thêm những thanh âm cuộc sống mới sôi động hơn…, Phia Cò vẫn rất cần một con đường có thể giúp họ làm được những điều đó.