Võ Văn Tần - Tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trung kiên (*)

Sáng 26/8, đồng chi Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã có bài phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của đồng chí Võ Văn Tần (1891-2021) với chủ đề: "Đồng chí Võ Văn Tần với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An”. Nhân Dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Thưa các đồng chí,

Đồng chí Võ Văn Tần sinh năm 1891, tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống yêu nước.

Ngay từ tuổi thanh niên, đồng chí đã sớm bộc lộ những tố chất của nhà lãnh đạo cách mạng tài năng toàn diện qua nỗ lực rèn luyện, giáo dục gia đình, bạn bè, người dân xóm làng và ở các vùng lân cận cùng đi làm cách mạng.

Năm 1923, đồng chí đã tham gia cuộc đấu tranh của nông dân làng Đức Hòa phản đối chế độ sưu thuế nặng nề của chính quyền thực dân. Cuối năm 1926, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 11/1929, đồng chí trở thành đảng viên của An Nam Cộng sản Đảng. Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Võ Văn Tần trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng.

Trong những năm 1930-1932, đồng chí Võ Văn Tần được phân công đảm nhiệm các cương vị Bí thư Chi bộ Đảng làng Đức Hòa, Bí thư Quận ủy Đức Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Tháng 11/1935 đồng chí được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 3/1937, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3/1938, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và tại Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 được bầu lại làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Tháng 4/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt. Ngày 28/8/1941, đồng chí anh dũng hy sinh trước mũi súng kẻ thù.

1. Đồng chí Võ Văn Tần - người chiến sĩ cộng sản trung kiên thời dựng Đảng

Với chí hướng đánh đổ chế độ thực dân để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, đầu năm 1926, đồng chí Võ Văn Tần tham gia Thanh niên Cao vọng Đảng - một tổ chức do nhà yêu nước Nguyễn An Ninh sáng lập.

Tháng 4/1926, đồng chí Võ Văn Tần đã tích cực tham gia cuộc đấu tranh tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Qua thực tiễn hoạt động trong phong trào yêu nước, sau khi tìm hiểu về tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, người thanh niên yêu nước Võ Văn Tần đã nhận thấy tính triệt để của con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản và quyết định gia nhập Hội vào cuối năm 1926. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần, thể hiện nhãn quan chính trị nhạy bén của đồng chí trước thời cuộc.

Đầu năm 1927, đồng chí Võ Văn Tần lập ra Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở quê nhà Đức Hòa và tổ chức tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng.

Tháng 11/1929, nắm bắt xu thế phát triển của phong trào yêu nước và nhu cầu thành lập đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào, đồng chí đã triệu tập hội nghị thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng làng Đức Hòa do đồng chí làm Bí thư. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 6/3/1930, trên tư cách bí thư chi bộ, đồng chí đã triệu tập cuộc họp để chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Đức Hòa do đồng chí làm Bí thư.

Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên trên địa bàn tỉnh Chợ Lớn lúc đó (tỉnh Long An ngày nay). Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Tần, chỉ trong vòng hai tháng (từ tháng 3 đến tháng 5/1930), Chi bộ Đảng làng Đức Hòa đã phát triển thêm hai chi bộ ở làng Mỹ Hạnh và Hựu Thạnh.

Trên cơ sở sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, cuối tháng 5/1930, đồng chí Võ Văn Tần triệu tập hội nghị thành lập Đảng bộ quận Đức Hòa - Đảng bộ quận đầu tiên của Đảng bộ Tỉnh Chợ Lớn. Cả bốn anh em đồng chí: Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tần, Võ Văn Tây và Võ Văn Ngân đều được bầu vào Quận ủy đầu tiên của Đức Hòa. Đồng chí Võ Văn Tần được bầu làm Bí thư Quận ủy.

Ngày 4/6/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Châu Văn Liêm - Bí thư Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định và đồng chí Võ Văn Tần, hơn 1.500 nông dân quận Đức Hòa đã biểu tình đòi giảm sưu, thuế, chống việc lính về làng đánh đập, áp bức dân. Mặc dù bị đàn áp đẫm máu, cuộc biểu tình của nông dân quận Đức Hòa là cuộc đấu tranh, tập dượt cách mạng quy mô lớn nhất đầu tiên của Đảng ta ở Nam Kỳ, gây ra tiếng vang rất lớn vào thời điểm ngay sau khi Đảng vừa thành lập.

Sau phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố hết sức khốc liệt và tàn bạo, hòng dập tắt phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo. Dù bị chính quyền thực dân kết án tử hình và truy lùng ráo riết, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, đồng chí Võ Văn Tần vẫn tích cực hoạt động cách mạng. Tháng 6/1931, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Trên cương vị công tác mới, đồng chí đã kiên trì bám sát cơ sở, từng bước gây dựng lại tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng.

Giữa năm 1932, đồng chí Võ Văn Tần được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Với kinh nghiệm hoạt động bí mật phong phú, đồng chí đã quyết định đình chỉ những cuộc đấu tranh làm bộc lộ lực lượng, đồng thời chỉ đạo các cán bộ tích cực gắn bó mật thiết với quần chúng, bí mật xây dựng cơ sở của Đảng.

Đồng chí chỉ đạo bí mật xuất bản và trực tiếp viết bài cho các tờ báo cách mạng như Cờ lãnh đạo, Lao động, Dân cày để giáo dục đảng viên và tuyên truyền cách mạng. Đồng chí thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt tình hình và trực tiếp tuyên truyền, vận động cách mạng, bồi dưỡng kinh nghiệm hoạt động; tổ chức, vận động quần chúng, phát triển đảng viên mới.

Trong bối cảnh thực dân Pháp tăng cường khủng bố, cơ quan lãnh đạo của Đảng ở nhiều nơi bị vỡ, đồng chí Võ Văn Tần không chỉ quan tâm xây dựng cơ sở cách mạng trên địa bàn tỉnh Gia Định, mà còn chú ý giúp đỡ gây dựng, phục hồi phong trào cách mạng ở những vùng lân cận. Khi một số đồng chí trong Tỉnh ủy Chợ Lớn bị địch bắt, để bổ sung lực lượng cho Tỉnh ủy Chợ Lớn, tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng trong tỉnh, tháng 6/1932, đồng chí Võ Văn Tần đã chủ động thành lập cơ quan Liên Quận ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa. Năm 1933, đồng chí tổ chức mở rộng hoạt động xuống miền Tây, bắt liên lạc và chỉ đạo củng cố lại Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho.

Nhờ những hoạt động tích cực, kiên trì và sâu sát quần chúng của đồng chí Võ Văn Tần, hoạt động của Đảng bộ Gia Định vẫn được giữ vững và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Hóc Môn - Bà Điểm được Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ xây dựng trở thành mô hình "căn cứ lòng dân" đầu tiên ở nông thôn Nam Kỳ và chọn là nơi đứng chân lãnh đạo trong thời kỳ hoạt động bí mật.

2. Đồng chí Võ Văn Tần - người cán bộ lãnh đạo tài năng của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ

Tháng 11/1935, đồng chí Võ Văn Tần tham gia Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Kỳ lâm thời và được bầu vào Xứ ủy. Vào lúc Mặt trận Nhân dân lên nắm quyền ở Pháp (1936), thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng tại Hội nghị tháng 7/1936 về việc lập mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chủ nghĩa phát xít và những thế lực phản động ở thuộc địa, đòi các quyền dân sinh, dân chủ và hòa bình, đồng chí Võ Văn Tần đã cùng Xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo tổ chức phong trào đấu tranh sôi nổi đòi triệu tập Đại hội Đông Dương để thảo ra bản nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân gửi đến phái đoàn của Chính phủ Pháp cử sang Đông Dương.

Từ Nam Kỳ, phong trào đã nhanh chóng lan rộng ra cả nước, mở ra Cao trào Dân chủ - một cao trào cách mạng mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong những năm 1936-1939.

Với những đóng góp to lớn trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng và phong trào cách mạng, trong những năm 1937-1938, đồng chí Võ Văn Tần đã được cử đảm nhiệm các cương vị: Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng.

Với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, toàn diện và tư duy sắc bén, đồng chí Võ Văn Tần đã có những ý kiến quan trọng với Trung ương về kinh nghiệm chỉ đạo phong trào cách mạng và đề xuất một số chủ trương mới của Đảng phù hợp với tình hình thực tế ở miền Nam. Đảm nhận nhiều cương vị như: Bí thư tỉnh ủy Chợ Lớn, Gia Định, ủy viên rồi Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ… thực hiện nhiều công tác như tổ chức các cơ quan liên quận ủy, liên tỉnh ủy,… đồng chí Võ Văn Tần đã có đóng góp rất lớn trong việc duy trì, khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở các địa phương, khu vực và toàn xứ Nam Kỳ, chuyển từ thời kỳ thoái trào sang củng cố, khôi phục và phát triển.

Cùng với Trung ương Đảng, đồng chí đã góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương; chuyển từ hình thức đấu tranh bí mật, bất hợp pháp sang đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp; phê phán các khuynh hướng cô lập, hẹp hòi, hoặc hợp tác vô nguyên tắc với những phần tử phản cách mạng; tiến hành vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và những thế lực phản động ở thuộc địa, chống nguy cơ chiến tranh, đòi các quyền dân sinh, dân chủ, bảo vệ hòa bình. Những quyết sách quan trọng đó hoàn toàn phù hợp tình hình thực tế của thế giới và trong nước thời điểm đó và đã làm nên thắng lợi của Cao trào Dân chủ.

Là người sâu sát cơ sở, nắm bắt thấu đáo tình hình thực tế, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Kỳ chịu trách nhiệm trước Trung ương về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và bảo đảm an toàn cho các Hội nghị Trung ương Đảng tháng 3/1937, tháng 9/1937, tháng 3/1938, tháng 11/1939 và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đây là những Hội nghị Trung ương quyết định những vấn đề rất quan trọng, đưa đến bước phát triển hết sức mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam vào nửa sau những năm ba mươi của thế kỷ XX.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (tháng 11/1939), trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Tần đã cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị, đặc biệt là soạn thảo các văn kiện của Hội nghị.

Trước tình hình thế giới và trong nước thay đổi, đặc biệt là cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (tháng 9/1939), chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương dẹp bỏ các quyền dân sinh, dân chủ và quay lại thi hành các chính sách khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, đồng chí là người ủng hộ mạnh mẽ chủ trương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ quyết định thay đổi đường lối, hình thức và phương pháp đấu tranh cách mạng phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, theo hướng đặt vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết.

Đây là cơ sở đúng đắn để Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941) hoàn chỉnh chủ trương thay đổi chiến lược cách mạng, làm nên một cao trào mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng - Cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945.

3. Đồng chí Võ Văn Tần - tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng

Tham gia hoạt động cách mạng liên tục hơn 15 năm cho đến lúc anh dũng hy sinh, đồng chí Võ Văn Tần đã nêu tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng. Từ một người thanh niên yêu nước nhiệt thành, đồng chí đã đến với lý tưởng cộng sản cao đẹp và trở thành một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.

Đồng chí là hình ảnh tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản đã phấn đấu, hy sinh trọn đời vì độc lập của dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Sau Cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào cách mạng rơi vào tình thế hết sức khó khăn bởi sự khủng bố, đàn áp khốc liệt, tàn bạo của thực dân Pháp; cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương, đến các Xứ ủy, Tỉnh ủy bị phá vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên bị giết hại, hoặc bị đày ải trong chốn lao tù, bản thân bị tòa án thực dân kết án tử hình vắng mặt và bị lùng bắt gắt gao, nhưng đồng chí Võ Văn Tần vẫn kiên cường bám trụ, sâu sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân để chắp mối liên lạc, xây dựng cơ sở và khôi phục phong trào.

Với tác phong giản dị, khiêm nhường, gần gũi và quý trọng nhân dân, quan tâm đến lợi ích thiết thực của nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng bào, luôn chú trọng bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên, đồng chí được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân rất mực yêu mến, tin cậy và trở thành hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo của tổ chức Đảng và phong trào cách mạng.

Bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, nêu cao tinh thần bất khuất trước kẻ thù, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chúng. Quyết tâm giữ trọn lời thề trung thành với Đảng, với cách mạng và nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết và trước hết, đồng chí Võ Văn Tần đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Trước khi hiên ngang bước ra pháp trường, đồng chí đã ghi lại trên tường xà lim nơi bị giam giữ những dòng chữ bất hủ: "Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng"1. Đồng chí ngã xuống nhưng niềm tin về tương lai tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc vẫn còn sống mãi.

4. Đồng chí Võ Văn Tần - người con ưu tú của quê hương Long An

Long An là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và tinh thần yêu nước, nơi đã sinh ra những người con ưu tú có nhiều cống hiến xuất sắc với dân tộc, trong số đó có đồng chí Võ Văn Tần. Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Long An tích cực thi đua phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa Long An trở thành một trong những tỉnh năng động, tích cực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Long An đang nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần tương thân, tương ái, "không để ai bị bỏ lại phía sau", nỗ lực từng bước ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả sự lây lan của đại dịch Covid-19, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu, đồng thời tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tưởng nhớ, tri ân những hoạt động, cống hiến và hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước, noi gương những nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta càng có thêm niềm tin, ý chí và sức mạnh, vượt qua những khó khăn, thách thức, đoàn kết đồng lòng chiến thắng đại dịch Covid-19, sớm đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

-------------------------------------

1 Võ Văn Tần - Tiểu sử. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.166.

(*) Đầu đề của Báo Nhân Dân.