“Vụ án người đốt đền” là tác phẩm sân khấu kinh điển được nhà viết kịch người Nga gốc Do Thái Grigori (1940-2000) viết năm 1972.
Được đánh giá là một trong 100 vở kịch hay nhất mọi thời đại, tác phẩm khai thác câu chuyện có thật về tên tội phạm Herostratus-một kẻ to gan đã dám đốt đền thờ nữ thần Artemis ở thành bang Ephesus vào năm 356 Trước công nguyên gây chấn động cả Hy Lạp cổ đại. Điều đáng nói là kẻ tội đồ này không hề chối tội mà ngang nhiên thừa nhận hành vi đã đốt ngôi đền linh thiêng được mệnh danh là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại với mục đích để tên tuổi hắn bất tử với thời gian. Trải qua 2.500 năm, đến nay, người ta vẫn nhắc đến hành động của Herostratus để đặt tên cho những kẻ cố tình phạm tội ác nhằm có được danh tiếng.
Ở Việt Nam, vở kịch “Vụ án người đốt đền” đã từng được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng thành công vào những năm 80 của thế kỷ trước, gây tiếng vang lớn cho sân khấu kịch nói nước nhà.
Nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021) và 50 năm kịch bản văn học Herostratus (1972-2022), Sân khấu Lệ Ngọc một lần nữa dàn dựng tác phẩm này, tái hiện hiện thực hoang tàn của một kỳ quan thiên nhiên bị tạo ra bởi dục vọng muốn được lưu danh tên tuổi bằng mọi giá. Vở diễn do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng, phóng tác từ kịch bản văn học của Grigori theo bản dịch của dịch giả Kim Ngọc.
Không có những tình tiết quá kịch tính, cũng không có nhiều đoạn thắt nút, cởi nút đẩy vở diễn lên cao trào, nhưng “Vụ án người đốt đền” vẫn hấp dẫn người xem từ đầu đến cuối bởi tính phê phán và cảnh tỉnh mạnh mẽ được làm bật lên từ từng màn đối thoại.
Ở đó, thông qua phần đối thoại của Herostratus với tên cai ngục, tên cho vay nặng lãi và nguyên soái, có thể nhận ra nguy cơ tha hóa đạo đức trước những cám dỗ của đồng tiền, sự sẵn sàng ém gọn những lỗi lầm để cục diện được đẹp đẽ.
Và hơn hết, xoay quanh đối thoại của Herostratus với nguyên soái và vợ nguyên soái, người ta còn nhận ra ngay cả những kẻ đã giàu có, nổi tiếng cũng vẫn khát khao được nổi tiếng hơn, sẵn sàng phủ lên tội ác những ánh sáng đẹp đẽ giả dối để đạt được nguyện vọng. Vở diễn, vì thế càng đầy ắp tính thời sự, nhất là khi sau 2.500 năm, bóng dáng của những kẻ đốt đền vẫn xuất hiện trong cuộc sống hôm nay.
Theo dõi vở diễn, người xem đặc biệt thấy thú vị, mới mẻ với phần xuất hiện của nhân vật Người nhà hát, cũng là người dẫn chuyện. Đây là nhân vật đại diện cho những người của thế kỷ 21, dựng lại câu chuyện để truy vấn lại bản án đã đi vào lịch sử loài người. Phần đối thoại giữa Người nhà hát và các nhân vật trong vở diễn cũng là những cuộc đối thoại của quá khứ và hiện tại để nhìn thấu rõ vấn đề, mổ xẻ nguyên nhân và đặt ra câu hỏi cho chính những con người của thời đại hôm nay.
Vở diễn kết lại bằng cảnh viên cai ngục vốn là quan nhiếp chính Cleon đại diện cho chính nghĩa giết chết Herostratus trong tiếng động ồn ào của những người thợ đang xây lại đền thờ Artemis. Cái kết này mở ra ánh sáng, niềm hy vọng về việc khơi dựng lại cái đẹp từ sự hoang tàn, song cũng là cái kết đầy ám ảnh và nhức nhối khi một lần nữa nhắc lại vấn đề: xây đền là công sức cả đám đông nhưng không ai nhớ tên họ, trong khi tên tuổi kẻ đốt đền được nhắc mãi cùng thời gian…
Tham gia chuyển tải một vở diễn giàu sức nặng về nội dung, bên cạnh diễn xuất của nghệ sĩ Văn Hải (vai Herostratus), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lệ Ngọc (vai Klementin-vợ nguyên soái) và các diễn viên trẻ của Sân khấu Lệ Ngọc, “Vụ án người đốt đền” còn có sự góp mặt đặc biệt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi thuộc nhiều loại hình nghệ thuật, tiêu biểu như: Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lê Chức (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, vai Người Nhà hát), NSND Nguyễn Tiến Dũng (Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam, vai Tixaphec-Nguyên soái Êphétx); NSND Thúy Ngần, người cống hiến cả đời cho nghệ thuật chèo truyền thống (vai Nữ tư tế đền thờ Artemis), NSƯT Hoàng Tùng (nguyên Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Cải lương Việt Nam, vai người cho vay lãi)… Điều này đã mang đến nhiều sắc thái cũng như sức hấp dẫn về diễn xuất cho vở diễn.
NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Tác phẩm “Vụ án người đốt đền” khiến tôi muốn thử sức mình với vai Tixaphec. Được diễn một vai trong kiệt tác sân khấu thế giới là áp lực và thử thách lớn mà tôi muốn vượt qua. Vở diễn cũng mang đến cơ hội cho tôi được làm nghề cùng những nghệ sĩ lão thành, tên tuổi của một số loại hình nghệ thuật khác nhau mà tôi rất quý trọng”.
Đây là vở diễn thứ tư được Sân khấu kịch Lệ Ngọc dàn dựng trong năm nay. Đơn vị sân khấu xã hội hóa này cũng đang nỗ lực luyện tập, dàn dựng vở diễn mới “Vang bóng một thời” để có thể ra mắt trước dịp Tết Nguyên đán.