Ai đã từng lên các xã vùng cao, nơi có cái rét rúm người, với những con dốc “chồn chân vó ngựa” sẽ vô tình bắt gặp những cặp vợ chồng tình nguyện lên núi để cùng “gieo chữ”. Với nhiều cán bộ, giáo viên đang phải sống cảnh chồng, vợ mỗi người một nơi thì đó là một niềm ước ao.
Nếu câu chuyện về những người “gieo chữ quá niên hạn” ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn khiến người ta phải cảm phục, xao lòng thì câu chuyện về những cặp vợ chồng cùng lên núi “gieo chữ” ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn ở Sơn La càng khiến người ta phải chạnh lòng.
Tình nguyện để gần nhau
Xin bắt đầu bằng câu chuyện của gia đình thầy giáo Hà Văn Đức và cô giáo Hà Thị Bình, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên. Đây là một trong số nhiều cặp có vợ tình nguyện lên công tác với chồng tại bản Làng Sáng, xã Háng Đồng để cùng hoàn thành nhiệm vụ và cùng được về sau khi hết “nghĩa vụ với vùng cao”.
Cũng bởi cái lý đó, nên việc chăm sóc, nuôi dạy con trai của vợ chồng thầy Đức và cô Bình chủ yếu do ông bà đảm trách. Bởi lẽ, với khí hậu khắc nghiệt, đường đi lại quá gian nan của bản Làng Sáng và thời gian đều dành hết cho “gieo chữ” nên vợ chồng thầy đành phải để con dưới huyện cho ông bà trông khi cháu chưa cai sữa.
Ngồi cạnh chồng bên mâm cơm đang sắp dở vì tôi đột ngột ghé qua, giọng nói như cố nén cảm xúc của mình, cô giáo Hà Thị Bình, bộc bạch: Em công tác ở xã vùng cao Háng Đồng được hơn 5 năm rồi. Quê em ở Tân Sơn, Phú Thọ. Khi mới cưới nhau cũng có ý định khi nào hết thời gian cống hiến cho vùng cao về mới sinh con, nhưng phần vì ông bà thúc giục, phần vì không biết chờ đến bao giờ nên quyết định sinh con.
Chia sẻ thêm, cô giáo Bình nói: Thời gian đầu, cháu ở trên này ốm đau suốt do không quen khí hậu. Trong khi, chồng thì cả ngày đi dạy tại các khu lẻ tối mịt mới về, thậm chí cả tuần không về vì mưa xuống phải ngủ ở bản. Ở đây muốn mua cho con đồ ăn để tầm bổ cũng không có. Mỗi lần về nhà lại chở thực phẩm lên để ăn dần. Nhiều đêm nhớ con chỉ dám khóc thầm vì sợ chồng nghe thấy lại sốt ruột...
Như thể sợ vợ mình sẽ khóc trước mặt nhà báo, thầy giáo Đức chen lời: Em có nhiều đồng nghiệp dạy ở khu lẻ có vợ dạy ở xã khác xa hàng trăm km, phải mang con đi theo. Mấy tháng vợ chồng gặp nhau được một lần. Như chúng em đây vẫn là hạnh phúc rồi...
Cũng như vợ chồng thầy Đức, cô Bình, vợ chồng thầy Hoàng Mạnh Hải và cô Đào Thị Phượng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hang Chú phải “nhường” việc chăm sóc con trai cho bà nội khi mới gần 1 tuổi. Trước đây, vì muốn con trai gần bố mẹ, hai vợ chồng cũng đã đưa cháu lên ở cùng một thời gian, nhưng vì khí hậu trên này quá khắc nghiệt, nên cháu ốm suốt đành phải xa con.
Thầy giáo Hoàng Mạnh Hải, tâm sự: Những lúc không có giờ dạy, em còn kiêm thêm nghề “xe ôm” để đèo vợ lên các bản vận động, tuyên truyền để các phụ huynh cho con em mình đi học. Với hệ thống đường giao thông vùng cao còn đầy gian nan thì việc phụ nữ đi xe máy là cực kỳ khó khăn. Còn nếu đi bộ thì phải nửa ngày đường hay lâu hơn thế mới tới được nhà học sinh.
Cũng như nhiều cặp vợ chồng giáo viên khác, vợ chồng thầy giáo Hải và cô Phượng mỗi tuần đều phải bố trí thời gian về thăm con vào cuối buổi thứ 7 và chiều chủ nhật đã phải ngược lên điểm trường. Thời điểm nào hai vợ chồng không về được thì tiện xe của đồng nghiệp xuống huyện cho vợ đi về cùng để thăm con…
Những nỗi niềm
Đã trở thành quy luật, khi đã lấy nhau thì tất phải sinh con. Do vậy, có những cô giáo thời kỳ thai nghén không dám ngồi xe máy. Đồng nghĩa với đó là không thể về thăm gia đình được. Bởi lẽ, nếu có về thì sợ rằng đường xá như vậy sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Kéo theo đó là người chồng cũng phải lên ở cùng để tiện bề chăm sóc vợ cùng đứa con mới sinh...
Đó cũng là trường hợp của cô giáo Hà Thị Như, quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Hiện đang là giáo viên Trường mầm non Bình Minh xã Hang Chú. Thời gian mang bầu, hầu như cô giáo phải ở trên trường vì mỗi lần về thăm gia đình cách gần 100 km bằng xe máy không hề đơn giản. Thậm chí, chồng lên đón về cũng không bảo đảm an toàn trên cung đường đèo dốc như vậy.
Cô giáo Hà Thị Như, chia sẻ: Thời điểm bầu bí vào ngày cuối tuần mọi người về thăm gia đình, ở lại một mình trên trường thấy nhớ gia đình lại khóc. Hết thời gian thai sản, gia đình em cũng bàn lên bàn xuống và đã quyết định để chồng lên trên này ở cùng tiện cho việc trông con. Hiện cháu đã được 8 tháng tuổi, những lúc em lên lớp là chồng đảm nhiệm trông con và lo luôn cơm nước.
Cũng bởi những lo ngại về đường đi lại khi tới kỳ sinh đẻ hay điều kiện chăm sóc cho đứa con sau khi ra đời luôn thường trực dưới những mái nhà của các thầy cô giáo, nên với họ ngoài vô vàn cái lo ở vùng cao khi “gieo chữ” thì những lo lắng trong thời kỳ thai nghén hay sau khi sinh cũng khiến họ phải suy tư rất nhiều.
Ví như gia đình thầy Thào A Vàng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Hang Chú và cô giáo Sộng Thị Lủ, giáo viên Trường mầm non Bình Minh xã Hang Chú. Cũng như bao cặp vợ chồng khác ở trong trường, sau khi cưới nhau, điều họ lo lắng nhất là chuyện sinh nở và chăm sóc con sau khi sinh.
Cũng bởi vậy, hai vợ chồng thầy Vàng đã mất bao đêm để bàn tính tương lai cho đứa con thứ hai sắp chào đời hay chịu bao áp lực từ phía gia đình khi vẫn cố bám trụ nơi vùng cao hẻo lánh để “gieo chữ”.
Thầy giáo Thào A Vàng, tâm sự: Chúng em đã có một cháu trai 4 tuổi đang ở cùng và cho học tại trường của mẹ. Cũng để tiện bề chăm sóc gia đình nên vợ em đã xung phong lên đây cùng với chồng. Giờ vợ lại đang mang bầu cháu thứ hai được hơn 5 tháng rồi. Cũng may nhà trường tạo điều kiện vì đang bầu bí nên vợ em không phải dạy khu lẻ. Vợ chồng em cũng đang tính khi sinh cháu thứ hai thì cháu đầu phải gửi nhờ bà nội và cho cháu học luôn ở dưới huyện…
Trong chuyến công tác lên với các xã vùng cao của huyện Bắc Yên lần này, vẫn còn đó nhiều điều chưa thể viết xoay quanh câu chuyện “gieo chữ” của các thầy, cô giáo. Tuy nhiên, có một điểm chung nhất mà tôi cảm nhận là họ luôn có lòng yêu nghề, yêu trò và khó khăn, gian khổ không thể làm sờn lòng họ.
Đến giờ, vẫn không quên hình ảnh một cô giáo vùng cao khi sáng sớm vội vàng địu con mấy tháng tuổi khóc trên lưng để chuẩn bị kịp giờ dạy tại một khu lẻ. Tối về lọ mọ cơm nước hay thi thoảng có các cô giáo trẻ khác tới bế giúp con và cùng làm trò để động viên cháu ăn bột. Rồi khi đêm xuống, sương bắt đầu rơi nặng hạt thì cũng là lúc cô giáo lại miệt mài với cuốn giáo án…
• Gian nan “gieo chữ” ở vùng cao
• Những thầy giáo “quá niên hạn”