Virus chủng mới đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 2-8, GS, TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế cho biết số lượng, số ca mắc Covid-19 đợt này tăng nhanh.
Kết quả giải trình tự gien cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.
Về chỉ số lây nhiễm, lần này rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8 - 2,2. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng. Thực tế ở Đà Nẵng đã ghi nhận sáu ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây.
Đặc biệt, lần này tỷ lệ F2 bị nhiễm cũng nhiều. Bên cạnh đó, từ 1-7 đến nay, các cơ quan chức năng xác định có có số lượng người lớn, khoảng 1,4 triệu người đi đến từ Đà Nẵng và khoảng 800 nghìn người đi đến các bệnh viện ở Đà Nẵng.
Dự đoán tới đây, chúng ta sẽ phát hiện thêm ca mắc ở một số địa phương khác, những ngày qua, Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp. Bộ đã tập trung tối đa nhân lực, phương tiện vào Đà Nẵng, lập bộ phận thường trực đặc biệt,… tập trung chống dịch nhằm nhanh chóng kiểm soát được tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong,…
Để thực hiện được điều này, GS, TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, phải thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ cùng với ngành y tế, các địa phương và lực lượng khác cũng phải đồng hành vào cuộc.
Theo các chuyên gia y tế, điểm nổi bật trong công tác phòng, chống dịch những ngày qua là chúng ta đang dồn lực để xử lý những điểm nóng, tuy nhiên cần hết sức chú ý đến nền dự phòng bởi mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch, nhưng hiện nhiều người có biểu hiện chủ quan. Do vậy, chúng ta cần nâng mức đề phòng của toàn xã hội. Mỗi người dân đều phải chủ động phòng dịch, thay vì thụ động, xảy ra cái gì làm cái đó.
Bên cạnh việc dồn lực dập dịch ở Đà Nẵng, các chuyên gia cũng đề xuất phải siết lại kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch. Trước hết lực lượng biên phòng và công an quản lý thật chặt người nhập cảnh.
Tiếp đó, ngành y tế cũng phải tiến hành rà toàn bộ số người già, người bệnh nền, người yếu thế; siết chặt việc bảo đảm vệ sinh an toàn dịch tễ, phòng chống nhiễm khuẩn trong các bệnh viện, phải "phòng thủ thật chặt", nhất là với những khoa, những nơi đang điều trị nhiều bệnh nhân nặng.
Phân loại mức độ bệnh nhân, cải tiến về thuốc điều trị
Theo GS, TS Nguyễn Gia Bình, một trong những điểm mới của phác đồ điều trị lần này là phân loại mức độ nặng để điều trị. Theo đó, thay vì xử lý hàng loạt như thông thường, các bác sĩ cần phân loại bệnh nhân và đánh giá toàn diện mức độ suy tạng liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tắc mạch, thần kinh, thận, gan... cùng những bệnh kèm theo trước khi tổ chức điều trị.
Các nhân viên y tế phải phân loại kỹ mức độ nặng để lập kế hoạch điều trị cụ thể. Kế hoạch này bao gồm sắp xếp tuyến bệnh viện, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực phù hợp với mỗi nhóm bệnh nhân.
Một trong những điểm mới nữa là sự cải tiến về thuốc điều trị và chú trọng vấn đề tâm lý
Về nguyên tắc điều trị, GS Nguyễn Gia Bình cho biết Việt Nam đang điều trị theo nguyên nhân, chống cơn bão cytokine, điều trị triệu chứng, bệnh kèm theo, chống bội nhiễm và hỗ trợ về dinh dưỡng, phục hồi chức năng. Tuy nhiên, trong lần hoàn thiện này, các y bác sĩ sẽ cần đặc biệt chú ý tới vấn đề tâm lý.
Nhiệm vụ động viên tinh thần bệnh nhân trong điều kiện họ còn tỉnh là rất cần thiết. Do đó, việc bố trí bác sĩ tâm lý cho các bệnh nhân để tăng sự lạc quan là giải pháp tốt nhất.
Trong phác đồ điều trị công bố hồi tháng 3, các loại thuốc kháng virus đặc hiệu như Lopinavir/Ritonavir, Chloroquine, Hydroxychloroquine, Remdesivir được Bộ Y tế nhận định là chưa đủ bằng chứng về hiệu quả. Tuy nhiên, trong lần hoàn thiện thứ 4, GS Nguyễn Gia Bình khẳng định yếu tố thuốc kháng virus đã có nhiều tiến bộ.
Cụ thể, Lopinavir, Ritonavir và Interferon đã được Việt Nam sử dụng có hiệu quả, bệnh nhân hết virus sau 7 ngày dùng. Remdesivir của Mỹ có thể dùng nhưng được đánh giá là không dễ tìm. Trong khi đó, loại thuốc được sử dụng ở Nga là Favipiravir mang đến khá nhiều hứa hẹn.
Điểm mới trong phác đồ điều trị lần này chính là việc huyết tương của người khỏi bệnh cũng được xem là một giải pháp thay thế thuốc kháng virus. Việt Nam không còn sử dụng Chloroquin trong điều trị Covid-19.
Ngoài ra, GS Bình bổ sung về mức độ quan trọng trong công tác chống rối loạn đông máu, suy tuần hoàn, cơn bão cytokine cũng như điều trị các dạng suy tạng liên quan đến tiêu hóa, thần kinh, thận.
“Việc chống rối loạn đông máu cho bệnh nhân Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng và đặc biệt cần thiết. Trong khi đó, kết quả loại bỏ cơn bão cytokine có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, tránh làm tổn thương tạng”, GS Bình cho hay.
GS, TS Nguyễn Gia Bình cũng nhấn mạnh việc lên kế hoạch về chế độ dinh dưỡng nhiều bữa, dễ tiêu, kiểm soát lượng đường trong máu, huyếp áp, nhiễm khuẩn và xử lý các bệnh kèm theo.