Vĩnh Phúc chú trọng tự soi, tự sửa, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triển khai toàn diện công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh vi phạm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận phản ánh.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2023.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2023.

Công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm sự toàn diện, bao quát tất cả các lĩnh vực, thông qua đó giúp cấp ủy hoàn thiện hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn; phát hiện những cách làm hay, nhân tố tích cực ở cơ sở, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng.

Coi trọng tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa

Nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể đối với công tác kiểm tra, giám sát như: Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật; đề án về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật; quy trình kiểm tra, giám sát của chi bộ và quy định về tổ chức và hoạt động của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ban hành 16 văn bản đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm tra, giám sát.

Công tác kiểm tra, giám sát tăng cả về số lượng và số lĩnh vực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện 9 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Cấp ủy các cấp tiến hành kiểm tra 1.506 tổ chức đảng và 1.343 đảng viên. Đối với kiểm tra dấu hiệu vi phạm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra ba tổ chức đảng; ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy kiểm tra 30 tổ chức đảng và 53 đảng viên.

Từ kết quả kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, xử lý dứt điểm một số khuyết điểm, vi phạm tại Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Dương, Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh, Sở Tư pháp, Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Thực hiện đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, xử lý kỷ luật một số tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm bảo đảm nghiêm khắc, kịp thời, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý đất đai tại huyện Tam Dương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Dương, ba tỉnh ủy viên và nguyên tỉnh ủy viên, gồm: Nguyễn Thanh Quang, Bí thư Huyện ủy; Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy; Đinh Văn Mười, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tam Đảo, nguyên Huyện ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tam Dương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh kỷ luật toàn bộ ban lãnh đạo Sở Tư pháp. Trong đó, cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở, cách chức Giám đốc Sở Tư pháp đối với đồng chí Nguyễn Văn Bắc, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở; khai trừ ra khỏi Đảng; buộc thôi việc đối với hai phó giám đốc Sở là Nguyễn Tuấn Anh và Kim Thị Ánh; cảnh cáo Phó Giám đốc Sở Hà Thái Nguyên. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ lãnh đạo của Hội Nông dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Tam Dương, Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Công tác kiểm tra, giám sát ở cấp huyện có chuyển động mạnh mẽ. Ban Thường vụ Huyện ủy và Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bình Xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề, thi hành kỷ luật nghiêm khắc đối với hai tổ chức đảng và 28 đảng viên, đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 15 đảng viên. Ở một số xã, cả bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân xã đều bị kỷ luật như Phú Xuân, Thiện Kế, Trung Mỹ. Nhiều cấp ủy cấp huyện giao chỉ tiêu kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm cho cấp ủy cơ sở.

Các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch rất quyết liệt trong công tác kiểm tra, giám sát, gắn với công tác đánh giá và luân chuyển, điều động cán bộ.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật, cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, cấp huyện kịp thời uốn nắn những lệch lạc, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm của các tổ chức đảng; hạn chế tình trạng vi phạm kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Đồng chí Hoàng Đức Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Sông Lô

Nêu cao trách nhiệm và sự công tâm của cán bộ kiểm tra

Điểm mới trong công tác kiểm tra, giám sát của Vĩnh Phúc là 5 cuộc kiểm tra trong năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với 5 lĩnh vực: công tác cán bộ; chấp hành quy chế làm việc; giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch và phát triển đô thị. Trưởng các đoàn kiểm tra là trưởng các ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy.

Trong đợt kiểm điểm đặc biệt này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với 266 tập thể (cấp tỉnh 66 đơn vị, cấp huyện 200 đơn vị) và 1.620 cá nhân (cấp tỉnh là 344 cá nhân, trong đó có 54 lãnh đạo sở, ngành; cấp huyện, xã là 1.276 cá nhân, trong đó có 72 lãnh đạo ủy ban nhân dân cấp huyện).

Các cuộc kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, bài bản, với tinh thần quyết liệt, triệt để, làm rõ các khuyết điểm, vi phạm ở từng nội dung kiểm tra. Vi phạm liên quan đến nhiệm kỳ nào thì làm rõ trách nhiệm cá nhân trong thời kỳ ấy. Vì vậy, kể cả những cán bộ nghỉ hưu nhiều năm vẫn phải viết kiểm điểm và giải trình các nội dung liên quan.

Sau kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo yêu cầu kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan để xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm khắc, kịp thời đối với tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Riêng trong đợt kiểm tra này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và ban thường vụ các huyện ủy kỷ luật 6 tổ chức đảng và 25 đảng viên.

Một số sở, ngành cấp tỉnh như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật, giáng chức cán bộ quản lý cấp phòng. Đợt kiểm điểm này là cơ hội để cán bộ, đảng viên toàn tỉnh tự soi, tự sửa; nắm được những lỗi thường gặp trong công tác lãnh đạo, điều hành liên quan đến quy hoạch xây dựng, đô thị, nhà ở, quản lý đầu tư, tài chính-ngân sách, quản lý đất đai, các quy trình, thủ tục đấu thầu, đấu giá... Tuy nhiên, rất khó phát hiện vi phạm thông qua kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Cứ theo báo cáo thì mọi việc đều tốt, nhiệm vụ của cán bộ kiểm tra là phải tìm ra được sai phạm trong khi việc chia sẻ thông tin rất hạn chế. Do đó, cán bộ làm công tác kiểm tra phải vững về nghiệp vụ và phải dựa vào sức mình là chính mới phát hiện được dấu hiệu vi phạm.

Đồng chí Khổng Đình Trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Tường

Nhiều cán bộ kiểm tra có chung cảm tưởng: Áp lực đối với cán bộ kiểm tra rất lớn, “nhiều đêm mất ngủ” vì phải xử lý kỷ luật đồng chí, bạn bè, người thân. Thường thì người vi phạm không nhận lỗi, cán bộ kiểm tra phải làm công tác tư tưởng đối với đảng viên, động viên họ nhận ra khuyết điểm và tạo điều kiện để họ khắc phục vi phạm.

Một trong những yếu tố để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát là sự đồng thuận, phát huy trách nhiệm của tập thể và từng thành viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trong quá trình thảo luận và quyết định các công việc. Thời gian qua, các thành viên Ủy ban Kiểm tra đã giữ vững bản lĩnh, lập trường, có chính kiến và quan điểm rõ ràng trong quá trình xử lý các vụ việc, kiên quyết đấu tranh làm rõ các hành vi tiêu cực, sai phạm.

Đội ngũ cán bộ kiểm tra cũng không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Bởi trong nhiều vụ việc, cán bộ kiểm tra phải xác minh từ dưới cơ sở, không những phải nắm vững quy định của Đảng mà còn phải nắm rõ pháp luật và quy định của Nhà nước, chẳng hạn khi xem xét các vụ việc liên quan đến mua sắm, đấu thầu, quản lý tài chính.

Đánh giá về tác động của công tác kiểm tra, giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lương Đức Minh khẳng định: Việc tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát phát huy tác dụng rõ rệt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát cũng giúp các đơn vị được kiểm tra phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được; kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Kiểm tra các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 209 tổ chức đảng cấp dưới và 406 đảng viên; kết luận 104 tổ chức đảng và 197 đảng viên có vi phạm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng và 10 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng và 16 đảng viên.