Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh phối hợp thực hiện tốt các chính sách của Trung ương quy định và những chính sách ưu đãi của tỉnh trong việc thu hút sinh viên tốt nghiệp về tỉnh; quy hoạch và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng, đúng chức danh; phấn đấu có 95% số đội ngũ cán bộ cơ sở qua đào tạo từ trung cấp trở lên vào năm 2015; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành: hành chính, địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán, văn hóa quần chúng, công an, quân sự cho cán bộ trẻ về công tác tại xã.
Trước mắt, trong năm 2013, tỉnh Vĩnh Long sẽ tuyển dụng thêm 28 sinh viên để bảo đảm mỗi xã đều có hai sinh viên tốt nghiệp về công tác, ưu tiên cho các xã điểm xây dựng NTM còn thiếu cán bộ chuyên trách về xây dựng NTM.
Tỉnh Quảng Bình phấn đấu từ nay đến năm 2015 sẽ đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn đạt 35%, bình quân mỗi năm đào tạo khoảng 15 nghìn người. Ðể thực hiện được mục tiêu này, tỉnh đã và đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thực hiện việc áp dụng nhiều chế độ đối với người tham gia học, như: cấp học bổng, trợ cấp xã hội, cử tuyển, tín dụng giáo dục, miễn, giảm phí dịch vụ công cộng đối với người tham gia học nghề, ưu đãi đối với người học nghề đi làm việc ở nước ngoài, người học nghề đoạt giải trong các kỳ thi giỏi nghề; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa trên địa bàn; hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình còn thành lập Quỹ đào tạo nghề để hỗ trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, người lao động trong độ tuổi của đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ,... có điều kiện tham gia học nghề để tìm kiếm việc làm.