Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho biết, theo tính toán, tổng trữ lượng các khu vực mỏ cát cần thiết phục vụ cho cao tốc là 4,91 triệu m3. Trong đó, 3,11 triệu m3 của bốn vị trí mỏ mới; 0,5 triệu m3 của mỏ đang khai thác và 1,3 triệu m3 của ba vị trí mỏ cũ đang gia hạn.
Hiện tỉnh đã hoàn tất thủ tục cấp 1,82 triệu m3 theo đề nghị của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các mỏ còn lại sẽ đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục cần thiết để cung cấp cát trong thời gian sớm nhất.
Chậm tiến độ do thiếu cát
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án được khởi công từ ngày 1/1/2023, hiện các nhà thầu đã tổ chức 167 mũi thi công, huy động 686 máy móc thiết bị các loại cùng 1.096 nhân sự.
Sau hơn một năm triển khai, sản lượng thi công đạt 3.816 tỷ đồng, đạt 20,3% giá trị hợp đồng, chậm so với tiến độ khoảng sáu tháng. Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) Trần Văn Thi cho biết, dự án chậm tiến độ chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường.
Do đó, các nhà thầu chủ yếu tập trung triển khai thi công các hạng mục cầu trên tuyến, đường công vụ, cầu tạm…
Tổng nhu cầu dự án cần khoảng 18,46 triệu m3 cát là rất lớn, trong khi nguồn vật liệu cát khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khan hiếm vì cùng lúc nhiều dự án triển khai đồng loạt.
Trước tình hình đó, tại phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải họp ngày 12/4/2023 (Thông báo 175/TB-VPCP), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí ngay nguồn cát cho dự án, trong đó các tỉnh An Giang bố trí bảy triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3); Đồng Tháp là bảy triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3); Vĩnh Long là năm triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3).
Để chủ động nguồn vật liệu cát theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi dự án được khởi công, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cùng các nhà thầu thi công đã chủ động làm việc với các địa phương; đồng thời có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long hỗ trợ.
Tuy nhiên, đến nay các địa phương mới xác định được nguồn bố trí cho dự án khoảng 16 triệu m3 từ tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác trên địa bàn tỉnh hoặc giới thiệu các mỏ mới trong quy hoạch để nhà thầu thực hiện thủ tục mở mỏ khai thác; công suất khai thác hằng ngày của các mỏ rất hạn chế nên không thể đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án.
Hỗ trợ cát cho cao tốc
Thời gian qua, việc khai thác cát quá mức đã gây sạt lở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nhiều nơi khai thác không đúng quy định khiến dư luận xã hội bức xúc. Trong số các mỏ cát phục vụ xây dựng đường cao tốc, có một số mỏ đã bị người dân phản ứng quyết liệt.
Để người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của nguồn cát khai thác phục vụ cao tốc, các cấp, ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã vào cuộc.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo cho các mỏ cát phải tuân thủ các quy định khai khác như cần khai thác đúng thời gian và khối lượng; tại tất cả các mỏ phải gắn camera giám sát quá trình khai thác cát,… Chính quyền địa phương cùng các đoàn thể đến các nơi có mỏ cát khai thác, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc khai thác cát phục vụ xây dựng đường cao tốc.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thơ, Phó trưởng ấp Thông Lưu, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trước đó, rất nhiều người dân ở mỏ cát trên sông Cổ Chiên nằm trong khu vực này phản ứng việc khai thác cát.
Nhưng khi nghe thông tin việc khai thác cát cung cấp cho xây dựng đường cao tốc và khai thác theo đúng quy định, thì bà con nơi đây không còn phản ứng như trước mà đồng tình ủng hộ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũng Liêm Bùi Tấn Đảm cho biết: “Ngay sau khi có thông tin chọn mỏ cát trên địa bàn tỉnh để khai thác phục vụ dự án xây dựng đường cao tốc, chúng tôi đã chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền cho bà con nơi đây hỗ trợ tích cực. Chúng tôi sẽ cùng với bà con giám sát việc khai thác của mỏ cát cũng như các phương tiện vận chuyển cát theo quy định của pháp luật”.
Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Long về hỗ trợ việc khai thác cát xây dựng đường cao tốc. |
Làm việc với đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh: “Cát là tài sản của quốc gia, xây dựng đường cao tốc cũng là công trình của quốc gia. Do đó, tỉnh Vĩnh Long ủng hộ và hỗ trợ theo yêu cầu của các bộ, ngành Trung ương. Trong lúc thực hiện có vướng mắc gì thì tỉnh sẽ cùng các ngành chức năng tháo gỡ. Tôi đề nghị ngành tài nguyên và môi trường phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ vấn đề này”.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của tỉnh trong việc phối hợp cung ứng nguồn vật liệu cho dự án thời gian qua và cho biết, thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép rất quan trọng.
Chính phủ đặt mục tiêu phải hoàn thành dự án vào cuối năm 2025. Như vậy, chậm nhất đến tháng 6/2024 phải hoàn tất việc đắp gia tải. Nếu sau tháng 6/2024 cát mới về công trường sẽ không thể bảo đảm được tiến độ.
“Phải khẳng định đến giờ phút này không còn vướng gì liên quan đến thủ tục cấp phép các mỏ phục vụ cho dự án nữa. Người dân miền tây đang mong đợi từng ngày về đường cao tốc, cho nên chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ cung cấp nguồn cát cho xây dựng đường cao tốc một cách nhanh nhất có thể. Về việc khai thác và vận chuyển cát đến xây dựng đường cao tốc, chúng tôi cam kết các nhà thầu và đơn vị thực hiện không dám làm sai trái. Chúng tôi cam kết sẽ giám sát và sẽ xử lý ngay nếu có dấu hiệu vi phạm”, Bộ trưởng Giao thông vận tải nhấn mạnh.