Vĩnh Lợi “viết tiếp” truyền thống vùng quê cách mạng

NDO -

Trở lại vùng quê cách mạng huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) nhân Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi cảm nhận sinh khí mới nơi đây. Đặc biệt, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Lợi không thỏa mãn với truyền thống cách mạng, nhận rõ những thành tựu và những mặt còn hạn chế, yếu kém, tiếp tục phấn đấu cao, đưa quê hương phát triển nhanh hơn, hòa cùng sự đổi mới, đi lên mạnh mẽ của đất nước…

Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) được nhiều người dân khắp nơi đến viếng thăm, thắp hương thành kính.
Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) được nhiều người dân khắp nơi đến viếng thăm, thắp hương thành kính.

Nơi có Đền thờ Bác Hồ đẹp, linh thiêng

Trở lại Vĩnh Lợi hôm nay, chúng tôi không quên đến viếng Đền thờ Bác Hồ nổi tiếng nhất tỉnh Bạc Liêu và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được xây dựng tại ấp Bà Chăng, xã Châu Thới. Đền thờ Bác Hồ cách xa trung tâm TP Bạc Liêu hơn 20 km về hướng tây.

Cách đây hơn 50 năm, ngày 5-9-1969, trong lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược vào giai đoạn ác liệt, được tin Bác Hồ kính yêu mãi mãi đi xa, Đảng bộ, quân dân xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) bàng hoàng, đau đớn.

Nghĩ đến công lao trời biển và tình yêu thương bao la của Bác Hồ đối với nhân dân miền nam ruột thịt, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Thới có tâm nguyện là quyết tâm xây dựng Đền thờ Bác, để ngày đêm hương khói cho Người, củng cố thêm niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Hàng nghìn cán bộ, nhân dân trong xã và huyện đã không sợ hy sinh, gian khổ, nhiều ngày đêm đóng góp sức người, công của xây dựng Đền thờ Bác ngay chính mảnh đất đầy khói lửa, đạn bom xã Châu Thới Anh hùng…

Sáng 19-5-1972, Lễ khánh thành Đền thờ Bác Hồ được tiến hành trong niềm hân hoan và trang nghiêm của hơn một nghìn người trong xã Châu Thới và các chiến sĩ huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).

Từ ý nghĩa lịch sử, giá trị nhân văn, tấm lòng của Đảng bộ và quân dân tỉnh Bạc Liêu đối với Bác, năm 1998, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng ngôi Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân tỉnh Bạc Liêu nói chung và của huyện Vĩnh Lợi nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Khoa, thường được nhân dân địa phương thường gọi bằng tên thân mật ông Bảy Khoa, là người hơn 50 năm giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc Đền thờ Bác Hồ tại nơi đây. Trò chuyện với  tôi, ông Bảy Khoa say sưa kể về những năm tháng đấu tranh với Mỹ - ngụy để xây dựng Đền thờ Bác Hồ đầy gian khổ, hiểm nguy nhưng rất kiên cường, niềm tự hào của cán bộ, nhân dân xã Châu Thới Anh hùng…

Vĩnh Lợi “viết tiếp” truyền thống vùng quê cách mạng -0
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) Từ Minh Phúc chúc mừng ông Nguyễn Văn Khoa (bên trái) - người 50 năm giữ gìn Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (Vĩnh Lợi), ông vừa được tỉnh Bạc Liêu bầu chọn đi dự Đại hội “Thi đua yêu nước” toàn quốc lần thứ X sắp tới. 

Phát huy truyền thống vùng quê cách mạng

Theo các đồng chí lãnh đạo chủ chốt huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), Huyện ủy, UBND huyện  luôn chú trọng việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Huyện ủy chỉ đạo các Đảng bộ, chi bộ và các cấp chính quyền nỗ lực cao hơn nữa, quyết không chủ quan, thỏa mãn với những thành tựu đạt được, cần tiếp tục khơi dậy truyền thống của vùng quê cách mạng, nỗ lực “viết tiếp trang sử mới”, không cam chịu nghèo khó mãi, vươn lên trở thành huyện phát triển khá toàn diện của tỉnh, sớm hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Mặt khác, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm thật sự tạo kết quả mới…

Trò chuyện với phóng viên Nhân Dân điện tử, đồng chí Từ Minh Phúc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi khẳng định: Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Vĩnh Lợi lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa tổ chức thành công tốt đẹp. Chúng tôi đã mạnh dạn nêu rõ những thành tựu 5 năm qua; đồng thời thẳng thắn, nghiêm túc nêu rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém. Trên tinh thần đó, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ sát thực tế.

Một trong những thành tựu nổi bật  nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Vĩnh Lợi đã đạt 16/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt gần 8%/năm. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 52 triệu đồng/năm. Đến nay tất cả các xã, thị trấn trong huyện đã được công nhận nông thôn mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Lợi, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra ba nhiệm vụ trọng tâm: Trong đó, huyện chỉ đạo thực hiện quyết liệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tăng cường các hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện; tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh.

Đồng thời, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Lợi xác định hai khâu đột phá để phát triển, đó là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…

Phát huy hào khí 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, với truyền thống vùng quê cách mạng - nơi có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đẹp và nổi tiếng vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đã và đang nỗ lực viết tiếp trang sử mới, quyết tâm sớm trở thành huyện khá toàn diện của tỉnh, đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng của nhân dân…