Vĩnh biệt Lê Thanh Đức - Người họa sĩ trí thức

Vĩnh biệt Lê Thanh Đức - Người họa sĩ trí thức

Vào những năm 1980, trong tủ sách vài cơ quan văn hóa, có những quyển sách nghệ thuật nặng vài cân, do họa sĩ Lê Thanh Đức gửi tặng. Lúc ấy và ngay cả bây giờ, sách nghệ thuật nước ngoài rất quý hiếm. Đọc sách đó, mới thấy lòng ông Đức mong muốn người nghệ sĩ cần có tri thức. Cả đời ông Đức phấn đấu cho việc này, khi thấy giới nghệ sĩ trong nước tài năng không thiếu, nhưng rất thiếu học và chỉ loanh quanh trong nước.

Ông sinh năm 1925 , học |Trường Mỹ thuật năm 1946, khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã giải tán. Trường Mỹ thuật Việt Nam mới hình thành, trở về thành phố cùng đoàn quân giải phóng thủ đô.

Bức họa Hà Nội giải phóng - ông vẽ năm 1954, hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật, là hình ảnh sinh động đầy sắc mầu cờ hoa. Những chiến sĩ Điện Biên và người dân Thăng Long náo nhiệt.

Yêu hội họa, nắm vững các kỹ thuật, nhưng quá tham vọng nhiều lĩnh vực, khiến ông để lại rất ít tác phẩm.

Tự học và giỏi tiếng Nga, Anh, Pháp, họa sĩ lao vào nghiên cứu nghệ thuật có hệ thống và làm công việc đồ họa sách báo. Cuốn Van Gogh ông cho ra đời những năm 1980, kể chuyện một cách hấp dẫn cuộc đời và sự nghiệp của danh họa hậu ấn tượng người Hà Lan, lập nghiệp ở Pháp này. Không may cho họa sĩ, cùng lúc đó cuốn Khát vọng sống - cũng viết về Van Gogh của một nhà nghiên cứu phương Tây làm cho sách của ông chìm nghỉm.

Năm 1996, Lê Thanh Đức cho ra đời cuốn Nghệ thuật ModernHậu Modern. Ông khái quát cả trăm năm nghệ thuật phương Tây trong cuộc khủng hoảng văn hóa xã hội, trong hai lần thế chiến và ảnh hưởng không thể chối cãi của nghệ thuật phương Tây hiện đại ra toàn thế giới như Việt Nam chẳng hạn.

Tự làm minh họa, vẽ bìa, coi sóc bản in, cho đến tận ngày sách đến tay bạn đọc là tính nết cẩn thận của ông.

Tiếng tăm ngày càng lẫy lừng hơn với loạt sách nghệ thuật và các nền văn minh (cỡ nhỏ) ông viết cho thiếu nhi.

Cuốn Đình làng miền bắc, ông tự chụp ảnh, viết bài, tự dịch ra tiếng Anh, là một công trình khảo cứu công phu, đầy lý thú với một phần văn hóa dân gian giàu sức sống. Ông cứ băn khoăn mãi tại sao người nông dân gọi cái chái nhà là "khu đi" nhỉ?

Mười năm cuối đời, ông dành toàn bộ sức lực, chút tiền bạc ít ỏi từ đồng lương hưu để biên soạn cuốn Từ điển Nghệ thuật, bao gồm cả nghệ thuật thế giới lẫn Việt Nam. Ông đặc biệt dành sự cân đối viết về nghệ thuật Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản và phương Đông nói chung, vốn ít được biết đến trong sách nghệ thuật phương Tây. Tuy nhiên, thật đáng tiếc công trình đồ sộ này chưa kịp ra mắt thì ông đã ra đi.

Từ chụp ảnh nghệ thuật, thiết kế đồ họa, nghiên cứu nghệ thuật thủ công, ứng dụng, ông đều thông cả, đều có thành tựu nhất định.

Lê Thanh Đức là hình ảnh người họa sĩ trí thức.