Ngày 21/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Trả lời một trong những câu hỏi được các cổ đông quan tâm liên quan đến việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nguyễn Quang Dũng cho biết, đến nay, Vietcombank đã hoàn thiện nội dung phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng và đang đợi cấp thẩm quyền phê duyệt. “Ngân hàng đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao và trình lên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để chờ phê duyệt. Ngay sau khi nhận được quyết định phê duyệt, Vietcombank sẽ tổ chức thực hiện. Hiện nay, ngân hàng đang rất tích cực chuẩn bị nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém”, ông Phạm Quang Dũng nêu rõ. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, tên của tổ chức này vẫn chưa được công bố chính thức.
Ngoài ra, cũng theo ông Phạm Quang Dũng, Vietcombank đang triển khai 3 phương án về tăng vốn. Theo đó, phương án thứ nhất, theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2022 đã thông qua là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019, với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua đề xuất tăng vốn này. Nếu không có gì thay đổi, một tháng nữa Vietcombank sẽ hoàn thành tăng vốn theo phương án này.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Phạm Quang Dũng phát biểu. |
Phương án thứ hai, được Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây đã thông qua, là tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ tăng thêm là 58,4%. Như vậy, vốn điều lệ mới dự kiến đạt khoảng 75.000 tỷ đồng. “Chủ trương tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Theo quy định, với mức tăng vốn như trên phải được Quốc hội thông qua”, ông Dũng cũng cho biết thêm.
Cuối cùng, phương án thứ ba là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Dự kiến, ngân hàng sẽ chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại trong năm 2023-2024.
Thông tin với các cổ đông, đại diện lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, với lợi nhuận có thể phân phối là 29.390 tỷ đồng, Vietcombank dự kiến trích gần 1.470 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trích 2.939 tỷ đồng cho quỹ dự phòng tài chính và 3.291 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi... Sau khi trích lập các quỹ và điều chỉnh khác, lợi nhuận còn lại của Vietcombank là hơn 21.680 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được Vietcombank dùng để chia cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Triển khai định hướng kinh doanh năm 2023, Vietcombank đặt mục tiêu trọng tâm là kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện cơ cấu danh mục theo định hướng của trụ sở chính. Một số chỉ tiêu chính dự kiến cho giai đoạn 2023-2028 là: Tăng trưởng tín dụng dự kiến từ 12%-14%/năm; tăng trưởng tổng tài sản đạt 9%-10%/năm; tăng trưởng huy động vốn từ 10%-11%/năm. Về kế hoạch kinh doanh 2023, Vietcombank cũng đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể đó là: lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022, dự kiến đạt khoảng 42.973 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Vietcombank sẽ sớm trở thành ngân hàng đầu tiên cán mốc lợi nhuận 2 tỷ USD.
Tại Đại hội, Vietcombank cũng đã thực hiện bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2023- 2028. Theo đó, ngân hàng nâng số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028 lên 11 thành viên, trong đó có 1 thành viên Hội đồng quản trị đại diện vốn nước ngoài và 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.