Căn cứ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 508/TB-VPCP ngày 5/11/2024 và Công văn hướng dẫn số 8364/NHNN-TD ngày 11/10/2024, Vietcombank đã thông báo triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô giải ngân lên tới 3.000 tỷ đồng.
Khách hàng tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thỏa mãn các quy định, điều kiện, chính sách cho vay của Vietcombank sẽ được áp dụng lãi suất cho vay trong thời gian triển khai chương trình thấp hơn tối thiểu 1% so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của Vietcombank cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Thời gian áp dụng kéo dài đến hết 31/12/2025.
Tính tới hết tháng 02/2025, Vietcombank đã hoàn thành vượt mức quy mô giải ngân của Chương trình. Nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8%, Vietcombank thông báo tiếp tục mở rộng thêm đối tượng tham gia chương trình áp dụng đối với các khách hàng doanh nghiệp có dự án/ phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông sản song song với các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản và tăng quy mô Chương trình lên 1,5 lần, đạt 15.000 tỷ VND, nâng quy mô và phạm vi chương trình thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Là Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam luôn chủ động thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank cam kết triển khai Chương trình cho vay đối với ngành lúa gạo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện Chương trình vì mục tiêu hình thành 01 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.