Bài dự thi về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Viết tiếp “Hành trình khát vọng”

Nhiều địa phương thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới đang có những cách làm sáng tạo tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các mô hình gắn kết phong trào thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đột phá trong cách nghĩ, cách làm, lan tỏa lối sống đẹp từ đội ngũ cán bộ, đảng viên.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) Lê Thị Lụa (thứ hai từ trái sang) giới thiệu mô hình trồng dâu.
Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) Lê Thị Lụa (thứ hai từ trái sang) giới thiệu mô hình trồng dâu.

Gắn bó với thực tiễn, gần gũi nhân dân

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn cán bộ “Chịu khó đi sâu, đi sát cơ sở”, “thực hiện nói đi đôi với làm”, “việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm”… Những lời dạy của Bác đang được thực hiện sinh động trong thực tế.

Về huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An chúng tôi được các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy chia sẻ về câu chuyện của xã Hưng Yên Nam, địa phương vừa tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện xây dựng nông thôn mới từ nhiều nhiệm kỳ trước, song cái khó của xã Hưng Yên Nam là thiếu đoàn kết, nhất trí trong nhân dân. Giữa năm 2021, Huyện ủy Hưng Nguyên chỉ định đồng chí Hoàng Đức Ân về làm Bí thư Đảng ủy xã.

Sâu sát thực tiễn, Bí thư Hoàng Đức Ân cùng với tập thể Đảng ủy xã đã tạo ra những chuyển biến tích cực, đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, Đảng ủy xã đã huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng nông thôn mới. Kết quả sau 21 tháng tích cực hành động, xã đã hoàn thành những chỉ tiêu khó như thiết chế văn hóa, đường giao thông, vệ sinh môi trường…

Quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương cũng đã khơi dậy tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa nhiều xóm đạo, họ đạo và các cộng đồng dân cư. Đồng chí Hoàng Đức Ân chia sẻ: Đảng ủy xã đã điều chuyển sắp xếp cán bộ phù hợp với tình hình nhiệm vụ. Đây cũng là quá trình gạn đục khơi trong để tạo nên sức mạnh cho tổ chức cơ sở đảng. Do đánh giá đúng tình hình, bản chất của điểm nghẽn, hệ thống chính trị đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, đoàn kết nhân dân thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Ở một địa phương khác đó là phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng cũng từng xảy ra hiện tượng mất đoàn kết trong nhân dân bởi khoản tiền đền bù trong quá trình giải phóng mặt bằng. Từng có thời điểm, tình trạng người dân không chịu nhận tiền đền bù để di dời, giải phóng mặt bằng trở thành điểm nóng về an ninh trật tự của địa phương.

Sau khi phân tích tình hình, Bí thư Đảng ủy phường Thượng Lý Phạm Xuân Viết cùng tập thể Đảng ủy xã chỉ đạo xây dựng mô hình “Chi bộ 5 tốt, đảng viên 4 gương mẫu”. Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng các tổ chức, đoàn thể quyết liệt vào cuộc vận động, tuyên truyền, nêu gương nâng cao nhận thức của nhân dân. Đảng ủy phường tổ chức buổi tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với người dân để giải quyết điểm nghẽn.

Kết quả, sau khi người dân được tuyên truyền đầy đủ, doanh nghiệp cũng cam kết đồng hành cùng với nhân dân trong quá trình giải phóng mặt bằng, điểm nghẽn đã được tháo gỡ. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Đào Văn Hoàn cho biết: Xây dựng mô hình đáp ứng nhiệm vụ trước mắt là việc làm kịp thời và sáng tạo của Đảng bộ phường Thượng Lý. Đó cũng là cách để lượng hóa việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong những tình huống khó khăn, thử thách. Đến nay, mô hình “Chi bộ 5 tốt, đảng viên 4 gương mẫu” đã được nghiên cứu nhân rộng ra toàn Đảng bộ thành phố Hải Phòng.

Khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng quê hương

Chúng tôi gặp Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) Lê Thị Lụa, người từng được tôn vinh trong chương trình “Hành trình khát vọng” năm 2021 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Đồng chí được nhân dân địa phương trìu mến gọi là “người phụ nữ luôn xung phong đi trước, làm đầu”.

Từng giữ nhiều cương vị và lĩnh vực công tác, từ tổ trưởng phụ nữ thôn đến Phó Chủ tịch HĐND xã rồi Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên. Đồng chí chia sẻ: “Người dân chúng ta đều cần cù, siêng năng, yêu lao động và trên tất cả là tình yêu quê hương, đất nước. Ý chí và khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp là tình cảm luôn sẵn có và được khích lệ, quy tụ sẽ phát huy sức mạnh”.

Bí quyết của Bí thư Lê Thị Lụa trong dẫn dắt phong trào là đặt mình vào vị trí người dân để thấy nhân dân cần gì, muốn gì và thiếu gì, từ đó kịp thời động viên, hỗ trợ. Xã Việt Thành về đích nông thôn mới từ rất sớm (năm 2015). Thời điểm đó, nông thôn mới có thể nói là một khái niệm còn xa lạ đối với các địa phương vùng bán sơn địa, miền núi. Bí thư Lê Thị Lụa đã xung phong đi trước, làm đầu vì nhận thấy những lợi ích rất lớn đối với người dân khi thực hiện được chương trình mục tiêu quốc gia này.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, xã đã làm được mấy việc lớn đó là dồn điền đổi thửa để tạo ra những cánh đồng trồng dâu tằm diện tích lớn 130ha; hình thành mô hình kinh tế hộ gia đình với các nghề thế mạnh trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa; xây dựng ba khu canh tác tập trung; hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông từ thôn, xóm kết nối với huyện, tỉnh. Theo lãnh đạo Huyện ủy Trấn Yên, xã Việt Thành cũng là nơi khởi đầu của phong trào “Ngày thứ 7 cùng dân” và đến nay mô hình này đã được nhân rộng tại nhiều địa phương trong cả nước.

Hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương đều có chương trình “Hành trình khát vọng” tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có nhiều gương điển hình tiên tiến thiết thực viết tiếp “Hành trình khát vọng”, học và làm theo Bác, xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp, hùng cường.

“Hành trình khát vọng” đến từ những làng quê, khu phố đẩy mạnh phong trào hiến đất làm đường; từ mô hình tổ ba người giúp nhân dân xây dựng nông thôn mới của một đơn vị quân đội; từ một chi bộ thôn, bản phát động phong trào thi đua xây dựng nhà văn hóa; hay một thầy giáo khơi dậy phong trào trao sinh kế cho học trò nghèo ở buôn làng Tây Nguyên…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh: Những gương điển hình trong chương trình “Hành trình khát vọng” đến từ nhiều ngành, nghề, địa phương khác nhau, song đều có một điểm chung, đó chính là việc nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn bản lĩnh, kiên cường, sẵn sàng hy sinh “Tận hiến vì dân”. Chúng ta tin rằng việc học tập và làm theo Bác lan tỏa sâu rộng hơn nữa, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam, tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển đất nước.