Theo đó, trong khuôn khổ Đại hội Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) lần thứ 73 diễn ra ngày 14/3 tại Rwanda, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn và Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Na Uy (NFF) Lise Klaveness đã ký kết thỏa thuận nêu trên.
Sự thống nhất giữa hai bên để tiếp tục triển khai dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” được căn cứ dựa trên kết quả tích cực của hợp tác phát triển bóng đá cộng đồng giai đoạn 2018-2022.
VFF và NFF sẽ cùng chia sẻ những giá trị và nguyên tắc trong việc bảo đảm môi trường an toàn, tạo cảm hứng cho trẻ em và thanh thiếu niên, không phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào và sự tham gia dựa trên nhu cầu, chứ không phải kỹ năng.
Dự án được thành lập trên tinh thần hợp tác và hữu nghị, giúp Việt Nam phát triển hoạt động bóng đá phong trào không cạnh tranh cho trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường học và trung tâm bảo trợ xã hội.
Cụ thể, mỗi trường học sẽ có một câu lạc bộ bóng đá; mỗi câu lạc bộ sẽ tự tổ chức, đứng ra tuyển chọn những học sinh yêu thích bóng đá ở mọi lứa tuổi. Ngoài chơi bóng, các em còn được rèn luyện kỹ năng sống.
Ông Trần Quốc Tuấn và bà Lise Klaveness ký kết hợp tác phát triển bóng đá cộng đồng giai đoạn 2023-2026. |
FFAV bắt đầu hoạt động tại Hà Nội từ năm 2001. Đến năm 2003, dự án được thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế và phát triển mạnh mẽ tại đây.
Từ năm 2003 đến 2018, dự án đã hình thành 216 câu lạc bộ bóng đá nam nữ khắp tỉnh Thừa Thiên Huế, với sự tham gia của hơn 19.000 học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở (trong đó có 50% là học sinh nữ).
Hội nghị tổng kết và chuyển giao dự án giai đoạn 2003-2018 diễn ra tại thành phố Huế đã ghi dấu ấn về sự thành công của một mô hình bóng đá cộng đồng trong trường học vững chắc, với phương châm “Đếm nụ cười không đếm bàn thắng”.
Năm 2015, mô hình FFAV tại tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng VFF lựa chọn nhân rộng ra cả nước, căn cứ vào “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
Từ năm 2015 tới nay, NFF và VFF đã phối hợp với các đối tác liên quan để phát triển mô hình FFAV tới hơn 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, với hơn 355 câu lạc bộ bóng đá và 28.920 cầu thủ; các hoạt động hằng năm mang lại cơ hội tham gia cho 506.499 em học sinh.
Trong năm 2014 và 2015, có hơn 30 cầu thủ nữ từ dự án FFAV đã được lựa chọn tham gia đội dự tuyển U14 nữ quốc gia.
FFAV đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, VFF, Hội liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam,… tặng kỷ niệm chương và giải thưởng vì những đóng góp đối với công cuộc phát triển bóng đá phong trào tại Việt Nam.
Đặc biệt, vào năm 2014 và 2017, dự án FFAV đã vinh dự được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trao giải thưởng “Giải thưởng vàng - Giấc mơ châu Á (Dream Asia Award) với danh hiệu là tổ chức phi chính phủ hoạt động về bóng đá cộng đồng tốt nhất châu Á.