Việt Nam và Belarus tăng cường xúc tiến kinh doanh

NDO -

Diễn đàn trực tuyến kết nối kinh doanh “Việt Nam - Belarus: khả năng hợp tác mới của đối tác kinh tế chiến lược” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Belarus và Trường đại học Kinh tế quốc dân Việt Nam, thông qua Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội và Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế tổ chức cuối tuần qua, trên nền tảng Zoom meeting. 

Đại biểu tham gia hội thảo tại các đầu cầu.
Đại biểu tham gia hội thảo tại các đầu cầu.

Diễn đàn nhằm tăng cường kết nối cung - cầu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Belarus tìm kiếm cơ hội kinh doanh, giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hai nước khi tham gia xuất nhập khẩu, đầu tư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra xáo trộn chưa từng có trong thương mại và đầu tư song phương.

Việt Nam và Belarus tăng cường xúc tiến kinh doanh bất chấp đại dịch Covid-19 -0
Ông Meleshkin D.V, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Belarus. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Meleshkin D.V - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Belarus, PGS, TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân đều khẳng định, Belarus và Việt Nam có lịch sử hợp tác lâu đời, là đối tác kinh tế, chính trị truyền thống, thủy chung và đáng tin cậy của nhau. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), mà Belarus là thành viên, có hiệu lực từ năm 2016 đã tạo xung lực đáng kể phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước, thể hiện qua tăng trưởng kim ngạch và cân bằng cán cân thương mại song phương thời gian qua, cũng như sự gia tăng số lượng các dự án đầu tư ở Việt Nam.

Việt Nam và Belarus tăng cường xúc tiến kinh doanh bất chấp đại dịch Covid-19 -0
PGS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân và các đại biểu tại đầu cầu Hà Nội. 

Tham dự Diễn đàn có đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Belarus, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương, đại diện cơ quan thương mại hai nước, các sở công thương một số tỉnh, thành phố Việt Nam và hơn 100 doanh nghiệp hai nước cùng các chuyên gia.
Diễn đàn đã chỉ ra thế mạnh và nhu cầu hợp tác của mỗi bên. Với cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại song phương mang lại lợi ích cho cả hai bên. Belarus có thế mạnh về công nghệ thông tin, Fintech, sinh học thế hệ mới, lĩnh vực y tế, vật liệu mới, hóa mỹ phẩm, chế biến, bảo quản thực phẩm, khai thác mỏ, công nghiệp cơ khí… Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp ở Belarus mong muốn nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như hàng nông sản (gạo, cà-phê, chè, tiêu, hạt điều…), thủy sản, may mặc, giày da, gia vị, điện tử, đồ gỗ…

Chia sẻ về nhu cầu của phía Việt Nam đối với các sản phẩm của Belarus,  PGS, TS Đỗ Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội Trường đại học Kinh tế quốc dân, Chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học - công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và EAEU trong bối cảnh mới, đã cung cấp kết quả khảo sát thực tế về nhu cầu của Việt Nam trong hợp tác khoa học - công nghệ và hàng tiêu dùng của Belarus, đề cập những rào cản, khó khăn trong hợp tác khoa học - công nghệ và thương mại giữa hai bên. Cụ thể, trong số 200 tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp của Việt Nam tham gia khảo sát, 100% các tổ chức này chưa hợp tác với Belarus, và chỉ một số ít hợp tác với Nga. 25% trong số 100 doanh nghiệp được hỏi mong muốn nhận chuyển giao công nghệ từ Belarus. Khoảng 20% mong muốn được chia sẻ, trao đổi thông tin khoa học - công nghệ và chuyên gia với Belarus. Theo các tổ chức này, rào cản lớn nhất là thiếu thông tin về cung - cầu khoa học - công nghệ của nhau. Ngoài ra, những hạn chế trong nền tảng pháp lý, sự thiếu ổn định của chính sách thương mại, bảo hộ đầu tư của Belarus, những hạn chế trong cơ chế khuyến khích giữa hai bên, vấn đề thanh toán, ngôn ngữ, địa lý, việc Belarus chưa áp dụng miễn thị thực hoàn toàn cho Việt Nam, đều là những rào cản không nhỏ. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có sự nhầm lẫn hàng hóa Belarus với hàng Nga. Nguyên nhân khiến hàng hóa, công nghệ mới của Belarus còn vắng bóng ở Việt Nam dù chất lượng tốt là do phía Belarus thiếu các chiến dịch quảng cáo, truyền thông.

Để tháo gỡ khó khăn trong giao thương giữa hai nước, đại diện Tập đoàn Bremino Belarus và Ngân hàng Phát triển Belarus đã cung cấp thông tin về các gói hỗ trợ cho các nhà đầu tư, xuất nhập khẩu của Belarus với thị trường Việt Nam.

Trong số hàng trăm câu hỏi được đặt ra, các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về môi trường kinh doanh mỗi bên, khả năng tìm kiếm đối tác tin cậy, hợp tác sản xuất tại Việt Nam. Phía Việt Nam mong muốn tìm kiếm đối tác xuất khẩu gạo, cà-phê, tiêu, đồ gỗ và tìm kiếm một số công nghệ thông minh của Belarus.

Sau diễn đàn, nhiều doanh nghiệp và tổ chức khoa học - công nghệ hai bên đã liên hệ với Ban tổ chức để được hỗ trợ kết nối trực tiếp với đối tác, tìm kiếm cơ hội hợp tác khả thi trong thời gian tới.