Diễn ra từ ngày 25-26/10/2023 tại Trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp), kỳ họp thu hút sự tham dự của hơn 100 quốc gia thành viên và các tổ chức quan sát viên. Đại sứ Lê Thị Hồng Vân - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và đại diện Ban thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tham dự kỳ họp.
Tại kỳ họp, Đoàn Việt Nam đánh giá cao vai trò của Công ước đối với các nước thành viên và mong muốn tiếp tục hợp tác với các nước thành viên và UNESCO trong các chương trình về nâng cao năng lực, tăng cường nhận thức về phòng chống doping trong thể thao.
Việt Nam cam kết tăng cường hợp tác với các tổ chức phòng, chống doping quốc gia, khu vực và thế giới nhằm hướng tới nền thể thao trung thực, công bằng, trong sạch và nói không với doping.
Tại Việt Nam, Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam trực thuộc Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) có vai trò điều phối quan trọng trong việc thực hiện các chương trình về phòng, chống doping.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bà Gabriela Ramos, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học xã hội và nhân văn, đánh giá đây là một trong những công ước thành công nhất trong lịch sử UNESCO khi có tới 191 nước phê chuẩn - số lượng quốc gia thành viên phê chuẩn nhiều thứ 2 trong số các công ước của UNESCO.
Bà Gabriela Ramos nhấn mạnh, COP9 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình thực thi Công ước, thích ứng với sự phát triển không ngừng của hệ sinh thái thể thao toàn cầu cùng các thách thức hiện nay, góp phần giúp hài hòa hóa luật, hướng dẫn, quy định và quy tắc chống doping trên phạm vi quốc tế nhằm mang lại một môi trường thi đấu công bằng và bình đẳng cho tất cả các vận động viên.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân chúc mừng Bộ trưởng Thể thao Senegal Mata Ba (ngoài cùng bên trái) trúng cử Chủ tịch Kỳ họp COP9. |
Các đại biểu đánh giá cao kết quả của Hội nghị quốc tế lần thứ 7 các Bộ trưởng và Quan chức cấp cao phụ trách thể dục thể thao (MINEPS VII) do UNESCO tổ chức tại Baku, Azerbaijan trong tháng 6/2023, giúp thu hút đầu tư cho thể thao, tăng cường vai trò tích cực của thể thao tới y tế, xã hội và kinh tế.
Các nước thành viên đã tập trung trao đổi về những nỗ lực cải tiến và hoàn thiện hệ thống giám sát của Công ước, nâng cao vai trò và trách nhiệm của Công ước trong hệ sinh thái thể thao toàn cầu, tiếp tục sử dụng hiệu quả Quỹ xoá bỏ doping trong thể thao, tăng cường năng lực cho các quốc gia đảo nhỏ và các nước kém phát triển nhất để không ai bị bỏ lại phía sau.
Các đại biểu nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác giữa các nước trong thực thi công ước nhằm đề cao tinh thần cao thượng trong thể thao, thúc đẩy sứ mệnh hoà bình, giá trị nhân văn của UNESCO.