Cuộc họp năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến và có sự tham dự của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Tijjani Muhammad-Bande, Phó Tổng Thư ký và Đại diện cấp cao của Tổng Thư ký LHQ về Giải trừ quân bị Izumi Nakamitsu, Thư ký điều hành của Tổ chức Cấm thử hạt nhân Lassina Zerbo, cùng đại diện của các nhóm khu vực, trên 150 nước và nhiều tổ chức quốc tế, phi chính phủ liên quan.
Các quan chức LHQ và Tổ chức Cấm thử hạt nhân nhấn mạnh, đến nay đã có hơn 2.000 vụ thử hạt nhân với những hậu quả khủng khiếp về nhân đạo và môi trường và hiện còn hàng nghìn vũ khí hạt nhân tồn tại.
Thử hạt nhân, vũ khí hạt nhân sẽ tiếp tục là các nguy cơ về hủy diệt nhân loại, thảm họa đối với môi trường và sinh thái. Đây là dịp để các khu vực, các nước tái khẳng định cam kết hướng tới chấm dứt hoàn toàn việc thử hạt nhân, thúc đẩy giải trừ quân bị hạt nhân, hướng tới một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.
Các diễn giả khẳng định, cần tăng cường hợp tác quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình.
Hầu hết các nước đều cho rằng, thử hạt nhân và sự tồn tại của vũ khí hạt nhân gây ra các rủi ro cho hòa bình và an ninh quốc tế, là nguy cơ về sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, hủy diệt loài người và tàn phá môi trường.
Nhiều đại biểu kêu gọi cần củng cố các khu vực không có vũ khí hạt nhân và tiếp tục thực hiện các điều ước quốc tế liên quan, trong đó có Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân với các trụ cột về chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Đa số đại biểu kêu gọi các nước chưa tham gia cần ký, phê chuẩn để các Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) và Cấm Vũ khí hạt nhân (TPNW) sớm có hiệu lực. Nhiều phát biểu cũng kêu gọi các nước có vũ khí hạt nhân cần gương mẫu đi đầu, đàm phán chân thành hướng tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại New York, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, đã phát biểu đại diện cho ASEAN. Đại sứ cho rằng, ngừng thử hạt nhân là một trong những bước quan trọng tiến tới giải trừ quân bị hạt nhân. ASEAN phản đối tất cả các hình thức thử hạt nhân, do đi ngược lại các nỗ lực, chuẩn mực quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ. ASEAN ủng hộ việc củng cố, thực hiện các hiệp ước khu vực không có vũ khí hạt nhân, trong đó có Hiệp ước Khu vực Đông - Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Đại sứ nhấn mạnh, việc tất cả các nước ASEAN đã phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện là một nỗ lực, đóng góp thiết thực của ASEAN về cấm thử hạt nhân. Đại sứ khẳng định, ASEAN là một khu vực hữu nghị và hợp tác, đồng thời cho rằng ASEAN và LHQ có thể hợp tác nhiều hơn nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, trong đó có nỗ lực chung về chống thử hạt nhân.
Ngày quốc tế Chống thử hạt nhân 29-8 được lập ra theo Nghị quyết số 64/28 của Đại hội đồng LHQ từ năm 2009. Ngày 29-8-1991 cũng là ngày Liên Xô đã đóng cửa địa điểm thử hạt nhân ở Semipalatinsk (Kazakhstan ngày nay). Hằng năm, LHQ đều tổ chức phiên họp cấp cao trước các kỳ hội nghị của Đại hội đồng để kỷ niệm ngày này.