Việt Nam nỗ lực vượt khó trong chuyển đổi cung ứng thuốc ARV

NDO -

NDĐT – Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã thực hiện chi trả điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua quỹ bảo hiểm y tế để bảo đảm sự tiếp cận cho người nhiễm HIV và tính bền vững của chương trình phòng chống HIV/AIDS.

Bệnh nhân HIV nhận thuốc ARV do BHYT chi trả. (Ảnh: Cục Phòng, chống HIV/AIDS)
Bệnh nhân HIV nhận thuốc ARV do BHYT chi trả. (Ảnh: Cục Phòng, chống HIV/AIDS)

Vượt qua một năm khó khăn trong chuyển đổi nguồn thuốc ARV

Năm 2019 được xác định là một năm khó khăn của Việt Nam khi ngành y tế thực hiện việc chuyển đổi nguồn thuốc điều trị ARV từ viện trợ sang BHYT, khi nguồn viện trợ thuốc ARV từ quốc tế đã bị cắt giảm.

Để bảo đảm tính bền vững của điều trị HIV/AIDS, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương sử dụng nguồn BHYT để thanh toán thuốc kháng vi rút ARV cho người nhiễm HIV. Triển khai Quyết định 2188 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm mở rộng chi trả của Quỹ BHYT cho điều trị HIV/AIDS.

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện hướng dẫn các tỉnh, thành phố dự trù thuốc ARV nguồn BHYT, do đó kinh nghiệm của cán bộ về dự trù thuốc ARV nguồn BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, số liệu bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT chưa rõ ràng tại nhiều tỉnh.

Tuy nhiên, với những nỗ lực bao phủ BHYT cho bệnh nhân điều trị ARV, đến nay, cũng đã đạt được tỷ lệ 90 - 91%. Đến hết 30-9, đã có 51 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT đạt hơn 90%. Còn chín tỉnh có tỷ lệ dưới 90%, thấp nhất là TP HCM chỉ đạt 80%.

Về việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT, trong năm 2019 đã đấu thầu và mua sắm thành công thuốc ARV nguồn BHYT cho 48 nghìn bệnh nhân. Đến hết tháng 10-2019 đã có hơn 41 nghìn bệnh nhân nhận thuốc. Dự kiến trong năm 2020, sẽ cung ứng cho 103 nghìn bệnh nhân.

Hiện nay, có 25/63 tỉnh, thành phố đã có nguồn ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV nguồn BHYT. Các tỉnh còn lại đã có nguồn của dự án QTC và chương trình PEPFAR bảo đảm.

Về những nỗ lực này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã biểu dương Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với ngành y tế rất tốt, đã có một chương trình để bảo đảm nguồn tài chính cho công tác phòng và chống HIV/AIDS. “Trước đây, chúng ta nhận được sự hỗ trợ nguồn tài chính chủ yếu từ các tổ chức quốc tế. Nhưng khi Việt Nam đã trở thành một nước trung bình, thì sự hỗ trợ đó sẽ giảm đi, và chúng ta cần phải có một nguồn cơ chế bền vững. Chúng ta cần phải có một hệ thống, không chỉ là điều trị kịp thời, mà còn bảo đảm quyền riêng tư của người bệnh”, Phó Thủ tướng nói.

Nỗ lực tiếp cận 10% số bệnh nhân chưa có thẻ BHYT

Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, việc tiếp cận 10% bệnh nhân còn lại sẽ còn gặp khó khăn do kỳ thị và sợ phân biệt đối xử của người nhiễm HIV nên không muốn dùng BHYT. Các bệnh nhân mới tham gia điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện đa khoa tỉnh không muốn về các bệnh viện tuyến huyện để điều trị. Các bệnh nhân ngoại tỉnh còn khó khăn khi đăng ký các thủ tục tạm trú. Nhiều bệnh nhân mất giấy tờ tùy thân.

Do đó, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long đề xuất, trong thời gian tới các tỉnh, thành phố tiếp tục tư vấn, truyền thông vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động bảo đảm các nguồn tài chính cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng khó khăn. Hiện nay 40/64 tỉnh, thành phố đã tự bảo đảm từ nguồn ngân sách địa phương. Cục sẽ hỗ trợ các cơ sở điều trị có hệ thống dữ liệu kết nối trên toàn quốc để quản lý, cảnh báo tình trạng tham gia BHYT của các bệnh nhân có thẻ BHYT đang điều trị.

Về kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS, ông Long cho hay, đến hết quý 2-2019 có 96% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. “Các cơ sở còn lại chưa đủ điều kiện để kiện toàn và ký hợp đồng với cơ quan BHYT sẽ được duy trì nguồn thuốc từ các chương trình dự án và hoàn thiện tiếp công tác kiện toàn. Sau khi không còn các nguồn thuốc miễn phí, các cơ sở này trường hợp không hoàn thiện công tác kiện toàn phải chuyển bệnh nhân sang các cơ sở khám chữa bệnh BHYT khác”, ông Long nói.

Trong thời gian tới Bộ Y tế tập trung vào một số nhiệm vụ trong cung ứng thuốc như điều phối các nguồn thuốc trong trường hợp thuốc ARV nguồn BHYT chưa cung ứng kịp; đưa một số phác đồ mới, hiệu quả vào danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia như TLD; đôn đốc việc quyết toán sử dụng của các cơ sở điều trị HIV/AIDS; kiện toàn quản lý thông tin bệnh nhân và thông tin quản lý sử dụng các nguồn thuốc.

Việt Nam mỗi năm có khoảng 10 nghìn người bị nhiễm HIV, trong số hơn 100 nghìn người bị nhiễm HIV hiện nay, vẫn còn khoảng 50 nghìn người chưa biết được chính xác bệnh tật của mình, và chưa được điều trị một cách quy củ. Muốn kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì cần đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Thực tế, quả ba mục tiêu này của Việt Nam năm 2018 mới đạt 80-70-95. Như vậy, trừ mục tiêu thứ ba chúng ta đã đạt được, còn hai mục tiêu đầu nhất là mục tiêu thứ hai còn khá xa so với đích đạt ra trong khi chúng ta chỉ còn có một năm để thực hiện. Do vậy, nếu không có sự chung tay hành động của cả cộng đồng thì có thể chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Ông Eamonn Murphy, Giám đốc khu vực UNAIDS, Khu vực châu Á và Thái Bình Dương:

Nhờ có sự lãnh đạo, cam kết và hành động mạnh mẽ trong phòng chống HIV những năm qua, Việt Nam đã đạt được kết quả giảm 65% số ca nhiễm HIV mới trong giai đoạn 2010 – 2018. Đây là bước tiến lớn nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong việc khống chế sự lây lan của HIV.

Năm 2019 cũng đánh dấu 20 năm chương trình điều trị kháng HIV ở Việt Nam, chương trình đã không ngừng mở rộng độ bao phủ trên toàn quốc, cứu sống được rất nhiều người và liên tục có những bước phát triển vững chắc.

Việt Nam cũng là một điểm sáng trong khu vực với việc nhanh chóng áp dụng các sáng kiến mới nhằm mang đến nhiều lựa chọn hơn trong sử dụng dịch vụ cũng như thúc đẩy việc tiếp cận dễ dàng hơn tới các dịch vụ phòng chống HIV thân thiện với khách hàng.