Cuộc họp lần này được tổ chức dưới hình thức thảo luận trực tuyến công khai, có sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Điều phối viên đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland và đại diện của Palestine, Israel, Jordan, Ai Cập, Algeria và Liên đoàn Arab. Một số nước thành viên HĐBA và ngoài HĐBA tham dự ở cấp bộ trưởng hoặc thứ trưởng ngoại giao.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Guterres kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực ngay lập tức, đồng thời cho biết LHQ đang tích cực trao đổi với tất cả các bên để đạt được lệnh ngừng bắn. Tổng Thư ký bày tỏ lo ngại về con số thương vọng cho dân thường tại Gaza do các cuộc không kích của Israel và về tình hình tại Bờ Tây. Ông kêu gọi lãnh đạo các bên không có phát ngôn kích động làm gia tăng căng thẳng.
Điều phối viên đặc biệt Tor Wennesland cho biết, tính từ ngày 10-5 đến nay, phía Israel đã thực hiện 950 cuộc tấn công vào Gaza, làm 181 người Palestine tại Gaza thiệt mạng, trong đó có ít nhất 52 trẻ em, và 1.200 người bị thương. Ngoài ra, đã có 40 trường học và ít nhất bốn bệnh viện bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần; 18 tòa nhà trong đó có bốn tòa nhà cao tầng đã bị phá hủy và hơn 350 tòa nhà bị hư hại, hơn 34 nghìn người mất nhà cửa. Về phía Israel, đã có chín người chết do các vụ phóng rocket từ Dải Gaza.
Các nước thành viên HĐBA đều bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng thời gian qua, nguy cơ bạo lực lan rộng và tiếp tục leo thang, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và tránh gây thiệt hại cho dân thường, tôn trọng luật pháp quốc tế. Hầu hết các nước đều lên án việc sử dụng bạo lực bừa bãi nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự. Một số nước lên án việc Hamas và các nhóm tại Gaza bắn tên lửa vào Israel; cho rằng Israel có quyền tự vệ nhưng cũng lên án việc Israel sử dụng vũ lực quá mức và vi phạm luật nhân đạo quốc tế khi tấn công Gaza gây thương vong nhiều cho dân thường và các công trình dân sự, trong đó có hạ tầng thiết yếu và trụ sở cơ quan báo chí. Các nước cũng lo ngại về tình trạng nhân đạo hiện nay tại Gaza do số thương vong tăng lên và điều kiện cứu chữa của hệ thống y tế hạn chế.
Các đại biểu hoan nghênh các nỗ lực của LHQ và các nước, các tổ chức quốc tế đã và đang thúc đẩy các bên ngừng bắn và quay trở lại đàm phán. Các nước cũng nhắc lại lập trường ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine, kêu gọi chấm dứt xung đột. Nhiều nước kêu gọi giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn đến xung đột, trong đó có tình trạng phân biệt đối xử, trục xuất người Palestine khỏi nhà cửa đã sinh sống qua nhiều thế hệ, lên án việc Israel tiếp tục thực hiện các hoạt động định cư. Các nước đề cao vai trò của LHQ, trong đó có Điều phối viên đặc biệt, Nhóm Bộ tứ về hòa bình Trung Đông và các tổ chức, các nước trong và ngoài khu vực có vai trò, ảnh hưởng với các bên trong giải quyết cuộc xung đột hiện nay. Đồng thời, hầu hết các nước kêu gọi HĐBA cần có tiếng nói thống nhất, thể hiện vai trò bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng leo thang giữa người Israel và người Palestine với số lượng thương vong ngày càng lớn, khẳng định Việt Nam lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự.
Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh trong khi tìm kiếm giải pháp cho các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, điều cần thực hiện ngay lập tức là chấm dứt bạo lực.
Theo đó, Đại sứ kêu gọi tất cả các bên ngay lập tức chấm dứt mọi hành động bạo lực và kiềm chế không làm phức tạp thêm tình hình. Việt Nam đề nghị các bên, đặc biệt là Israel, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và thực hiện kiềm chế tối đa để giảm thiểu thiệt hại và tránh thương vong cho dân thường cũng như tránh gây thiệt hại cho các hạ tầng sơ sở thiết yếu theo Nghị quyết 2573 của HĐBA. Việt Nam cũng kêu gọi Israel ngừng ngay lập tức sử dụng vũ lực quá mức cần thiết và mọi hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình.
Đại sứ Đặng Đình Quý cũng nhấn mạnh về tình trạng nhân đạo đang xấu đi nhanh tại Dải Gaza, do điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cùng với tác động của đại dịch Covid-19. Đại sứ đặc biệt lo ngại về việc cạn kiệt nhiên liệu cho nhà máy điện có thể gây khủng hoảng nghiêm trọng cho ngành y tế và cung cấp nước sạch. Đại sứ đánh giá cao các nỗ lực của các nhân viên cứu trợ trong bối cảnh hiện nay.
Về các giải pháp và nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Trưởng Phái đoàn Việt Nam kêu gọi tất cả các thành viên cộng đồng quốc tế và khu vực có ảnh hưởng với các bên gia tăng các nỗ lực để tránh nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh như năm 2014. Việt Nam nhấn mạnh cần giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, và về lâu dài, con đường duy nhất bền vững cho vấn đề hòa bình Trung Đông là thực hiện giải pháp hai nhà nước, trong đó thành lập Nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô cùng tồn tại hòa bình cùng với Nhà nước Israel, với các đường biên giới được quốc tế công nhận trên cơ sở ranh giới trước năm 1967 và thỏa thuận do thương lượng, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và các nghị quyết của LHQ có liên quan. Đại sứ cũng nhấn mạnh HĐBA LHQ cần có tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất trong vấn đề này.
Đây là cuộc họp khẩn cấp của HĐBA được tổ chức theo đề nghị của 10 nước thành viên HĐBA, bao gồm Trung Quốc, Estonia, Pháp, Ireland, Na Uy, Niger, Saint Vincent và the Grenadines, Tunisia, Anh và Việt Nam.