Hình mẫu mới cho quan hệ thương mại bền vững:

Việt Nam - Hoa Kỳ khép lại Vụ điều tra 301 về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp

NDO -

Ngày 1/10,  Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Thỏa thuận về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp với Trưởng Cơ quan đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Hoa Kỳ Katherine Tai.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và đoàn đại biểu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam làm việc với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR).
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và đoàn đại biểu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam làm việc với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR).

Thỏa thuận này là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cùng các cơ quan liên quan dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam trong đàm phán với Hoa Kỳ để khép lại Vụ điều tra 301 của Chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.

Việc ký Thỏa thuận thể hiện tinh thần thiện chí và hợp tác của hai bên, là cơ sở để Chính phủ Hoa Kỳ khép lại Vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ,  góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp 2 nước.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2020 đạt mức 7,4 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ngay trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt mức 6,4 tỷ USD, tăng trưởng 58,8% so với cùng kỳ 2020.

Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các quy định pháp luật bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp, phù hợp với các quy định liên quan của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phía Hoa Kỳ đánh giá cao Thỏa thuận này vì đây là Thỏa thuận thương mại đầu tiên của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy môi trường bền vững, và là hình mẫu cho hợp tác của Hoa Kỳ với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và toàn cầu.

Thỏa thuận thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.

Thỏa thuận sẽ thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Hoa Kỳ, khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu trong nước, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế.

Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.