Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

Có nhiều yếu tố cho thấy, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư vào thị trường mới nổi. Ðây là nhận định được đưa ra trong bài viết trên trang tin seekingalpha.com, trang mạng chuyên về thông tin thị trường tài chính, có trụ sở tại Israel.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động tại Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina, Hàn Quốc, tại Quảng Ninh. (Ảnh: Thành Đạt)
Lao động tại Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina, Hàn Quốc, tại Quảng Ninh. (Ảnh: Thành Đạt)

Theo bài viết, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư vì Việt Nam có chi phí lao động cạnh tranh, lực lượng lao động có tay nghề ngày càng cao, thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ.

Tác giả bài viết nhận định, nền kinh tế Việt Nam có bước chuyển ngoạn mục trong thời gian qua và gặt hái nhiều thành quả tích cực. Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 đánh một dấu mốc quan trọng, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Kể từ đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), như Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)... Việt Nam hiện có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư vì Việt Nam có chi phí lao động cạnh tranh, lực lượng lao động có tay nghề ngày càng cao, thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ.

Nhấn mạnh về tiềm năng của thị trường nội địa Việt Nam, bài viết nêu rõ tiềm năng này thể hiện ở quá trình đô thị hóa gia tăng, lĩnh vực bán lẻ được mở rộng, thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ phát triển sôi động.

Ngoài ra, theo tác giả bài viết, đặc điểm về nhân khẩu học cũng là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy mạnh mẽ thị trường nội địa Việt Nam. Hiện Việt Nam là một trong số những nước có dân số trẻ nhất thế giới, với hơn 60% dân số dưới 30 tuổi. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng cũng thúc đẩy tiêu dùng nội địa tại Việt Nam.

Theo bài viết, nền kinh tế được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước như Việt Nam có lợi thế là ổn định, có cơ cấu kinh tế đa dạng và ít bị tác động từ các yếu tố bên ngoài, như biến động về tiền tệ, chính sách thương mại và giá cả hàng hóa.

Tác giả cho rằng Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế đa dạng, cân bằng giữa tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và nhu cầu nội địa, đồng thời khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam.